|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán thăng hoa có lợi cho người Mỹ nhưng lại làm khổ Fed

10:19 | 27/05/2024
Chia sẻ
Ước tính có tới 62% người trưởng thành ở Mỹ sở hữu cổ phiếu. Giá chứng khoán tăng mạnh có thể sẽ thúc đẩy người Mỹ chi tiêu nhưng sẽ gây áp lực lên giá cả và cản trở Fed đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Chủ tịch Jerome Powell không nghĩ Fed cần tăng lãi suất, nhưng nhiều đồng nghiệp của ông có ý kiến khác. (Ảnh minh hoạ: MarketWatch). 

Liên tục phá đỉnh

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lại lập đỉnh vào tuần trước, giúp hàng triệu người dân cảm thấy vững tâm hơn về tình hình tài chính cá nhân. Tuy nhiên, tâm lý này có nguy cơ cản đường Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát.

Kết quả khảo sát do Gallup vừa công bố cho thấy 62% người trưởng thành ở Mỹ đang đầu tư vào thị trường chứng khoán - riêng lẻ hoặc chung với vợ/chồng thông qua cổ phiếu, quỹ tương hỗ, kế hoạch 401(k) hoặc tài khoản hưu trí cá nhân. Tỷ lệ này gần như không thay đổi so với năm 2023 và phản ánh sự phục hồi về mức thường thấy trong giai đoạn 1998 - 2008.

Kết phiên 24/5, chỉ số Nasdaq Composite leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 16.921 điểm. Ba ngày trước đó, S&P 500 cũng lập kỷ lục ở mức 5.321 điểm. Trong bối cảnh có quá nhiều người Mỹ được hưởng lợi từ đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu đến vậy, nhu cầu của người tiêu dùng có vẻ sẽ khó giảm xuống mức cần thiết để đưa lạm phát quay trở về mức mục tiêu 2% của Fed.

 

Tính từ đầu tháng 5, chỉ số Nasdaq Composite, S&P 500 và Dow Jones đã lần lượt tăng 8,1%, 5,3% và 3,3%. Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ có thêm dữ liệu để đánh giá mối quan hệ giữa tâm lý người tiêu dùng và lạm phát.

Vào ngày 28/5 tới, tổ chức The Conference Board sẽ tiết lộ dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng tháng 5. Tới ngày 31/5, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) cho tháng 4 - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Cho tới nay, thị trường lao động mạnh mẽ và sức chi tiêu bền bỉ của người tiêu dùng đã giúp Mỹ tránh được suy thoái. Nhưng mặt khác, các kỷ lục được thiết lập trên Phố Wall có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát.

Hiệu ứng của cải là một lý thuyết hành vi đề cập đến việc con người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi tài sản tăng lên, ngay cả khi thu nhập không tăng.

Một số nhà phân tích, ví dụ như chuyên gia kinh tế Torsten Slok của Apollo Global Management, cho rằng việc Fed báo hiệu ý định giảm lãi suất ba lần trong năm 2024 từ cuối năm ngoái và sức chi tiêu của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong quý I.

Tháng 12 năm ngoái, chuyên gia chứng khoán Charlie McElligott của Nomura Securities International cảnh báo rằng giới chức Fed đang tự cản đường chính mình khi thay đổi lập trường sang hướng bồ câu như trên.

Theo ông McElligott, tín hiệu giảm lãi suất của Fed có nguy cơ khơi dậy tâm lý lạc quan thái quá của các nhà đầu tư, khiến các điều kiện tài chính nới lỏng đến mức lạm phát khó có thể được kiểm soát.

Ông McElligott có thể đã đúng, với bằng chứng là lạm phát quý I nóng hơn dự kiến. Dù vậy, vào ngày 1/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ ít có khả năng tăng lãi suất trở lại. Nhận định này rất có thể là yếu tố thúc đẩy chứng khoán Mỹ đi lên trong tháng 5, theo tờ MarketWatch.

Ông Brent Schutte, Giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management Company, bình luận: “Hiệu ứng của cải chắc chắn đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng và góp phần khiến lạm phát duy trì ở mức cao. Từ trước tôi đã nói chặng cuối trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ rất khó khăn và thị trường chứng khoán đang cản trở nỗ lực kìm chế giá cả”.

Ông chia sẻ với tờ MarketWatch: “Lúc trước chúng tôi đã rất lạc quan rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt, nhưng giờ tôi đoán lạm phát sẽ dai dẳng ở mức cao”.

Câu hỏi đặt ra là liệu giá tài sản rủi ro có thể tiếp tục đi lên khi lạm phát vẫn vượt quá mức 2% hay không.

Liệu Fed có cần tăng lãi suất trở lại?

Biên bản cuộc họp chính sách ngày 30/4 - 1/5 được công bố vào tuần trước cho thấy nhiều quan chức sẵn sàng tăng lãi suất trở lại nếu cần, hơi khác với thông điệp ngày 1/5 của Chủ tịch Powell.

Một vài nhà hoạch định chính sách cũng đề cập đến hiệu ứng của cải, nói rằng một số hộ gia đình đang ghi đạt lợi nhuận đáng kể từ thị trường chứng khoán và khi giá nhà tăng. Một số đặt câu hỏi liệu các điều kiện tài chính đã được thắt chặt đủ để tác động đến nhu cầu và lạm phát hay chưa.

Ông Michael Reynolds, Phó Giám đốc chiến lược đầu tư của Glenmede, cho biết: “Thị trường vẫn tin vào kịch bản lý tưởng là lạm phát sẽ hạ nhiệt và Fed không cần kéo lãi suất đi lên. Chúng tôi cho rằng khả năng Fed phải tăng lãi suất khá thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Trên thực tế, khả năng này hiện cao hơn trước bởi lạm phát đã nóng lên”.

Ông Reynolds nhận định đà tiến của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần vừa qua không giúp ích gì cho việc “chữa trị” căn bệnh lạm phát. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ nhận được kích thích tài khóa lớn trước do cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Điều này sẽ lại càng khuếch đại hiệu ứng của cải.

Về câu hỏi liệu chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục thăng hoa khi lạm phát mắc kẹt ở mức trên 2% không, ông Reynolds cho rằng nếu lạm phát tăng tốc vào cuối mùa hè thì Fed có thể phải cân nhắc việc tăng lãi suất. 

Ông nói tiếp: “Chúng tôi đoán vấn đề lạm phát sẽ đeo bám nền kinh tế trong thời gian dài… Nếu lạm phát duy trì ở mức trên 2%, nhưng chỉ vào khoảng 2,7% thì Fed có lẽ sẽ tuyên bố chiến thắng. Nhưng họ không thể làm vậy với lạm phát ở mức 3,5% hay 4%. Do đó, điều quan trọng với lạm phát là số liệu chi tiết”.

Giang