|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãi suất đang cao kỷ lục nhưng tại sao chứng khoán toàn cầu liên tục phá đỉnh trong năm nay?

14:53 | 20/05/2024
Chia sẻ
Trong số 20 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, 14 thị trường gần đây đã chạm mức cao nhất mọi thời đại. Đà tăng có vẻ sẽ tiếp tục trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi và ít rủi ro.

(Hình minh họa: Getty Images). 

 

Từ New York cho đến London hay Tokyo, các thị trường chứng khoán thế giới gần đây đều liên tiếp gặp chuyện vui. Trong số 20 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, 14 thị trường đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại.

Chỉ số MSCI ACWI - mô phỏng các thị trường phát triển và mới nổi trên toàn cầu - vừa lập kỷ lục mới trong phiên 17/5. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 đều lên đỉnh vào tuần trước, còn chỉ số Dow Jones cũng lần đầu tiên phá mốc 40.000 điểm.

Trong khi đó, các sàn chứng khoán ở châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Brazil đều đang ở đỉnh hoặc gần mức đỉnh.

Theo tờ Bloomberg, động lực kéo giá cổ phiếu đi lên là triển vọng lãi suất sớm đi xuống, các nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp ổn định. Đà tăng của các thị trường rất có thể sẽ tiếp tục bởi những động lực tiềm năng khác, ví dụ như 6.000 tỷ USD nằm trong các quỹ thị trường tiền tệ.

Ông Salman Ahmed, trưởng bộ phận vĩ mô và phân bổ cổ phiếu chiến lược tại Fidelity International, bình luận: “Bức tranh kinh tế vĩ mô không có dấu hiệu đáng lo nào. Tình hình kinh tế vẫn mạnh mẽ và đà tăng của thị trường đang mở rộng”.

Vốn hóa chứng khoán Mỹ tăng 12.000 tỷ USD

Chỉ số S&P 500 đã lập 24 kỷ lục mới trong năm 2024. Vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng thêm 12.000 tỷ USD kể từ tháng 10 năm ngoái.

Một mặt, nhà đầu tư đang hy vọng vào kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm, tức tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ trong khi lạm phát hạ nhiệt. Thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong năm nay. 

* Nhóm Magnificent 7 gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla.

Mặt khác, sự hứng khởi dành cho công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng giúp thúc đẩy thị trường. Một mình nhà sản xuất chip Nvidia đã đóng góp 1/4 mức tăng của S&P 500. Cùng với Microsoft, Amazon, Meta và Alphabet (công ty mẹ Google), khoảng 53% mức tăng của chỉ số S&P 500 đến từ 5 ông lớn ngành công nghệ này.

Ông Dave Mazza, Giám đốc đầu tư của Roundhill Investments, bình luận: “Sức mạnh của cổ phiếu công nghệ có công lớn trong việc giúp thị trường Mỹ liên tục phá đỉnh trong năm 2024, nhưng chúng không phải những cổ phiếu duy nhất đang hoạt động tốt”.

Ông đề cập đến việc Dow Jones cán mốc 40.000 điểm vào tuần trước dù chỉ số này không bị chi phối bởi các công ty công nghệ khổng lồ nhiều như S&P 500.

Bất ngờ của châu Âu

Chứng khoán châu Âu cũng đang trên đà tăng kỷ lục bối cảnh thị trường đón nhận nhiều tin vui bất ngờ. Nhóm chuyên gia của ngân hàng BNP Paribas cho biết: “Mùa báo cáo quả kinh doanh đã không diễn ra tồi tệ như nhiều người tưởng”. Họ lưu ý rằng 75% doanh nghiệp châu Âu đáp ứng hoặc vượt quá kỳ vọng của thị trường về kết quả kinh doanh.

Biên lợi nhuận của các công ty cũng đang được cải thiện. Điều này giúp các nhà phân tích lạc quan hơn về lợi nhuận tương lai, thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Trong 6 tháng gần nhất, chỉ số Stoxx 600 đã tăng điểm trong 5 tháng. Sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của châu Âu và Mỹ có vẻ là chất xúc tác tích cực cho cổ phiếu trong khu vực. Thị trường trái phiếu dự kiến lần đầu tiên trong lịch sử, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giảm lãi suất sớm hơn Fed.

Giá hàng hóa thúc đẩy chứng khoán Anh

Xét về mức tăng của vốn hóa, chỉ số FTSE 100 của Anh đã đánh bại chỉ số Stoxx 50 châu Âu trong ba tháng qua. Giá hàng hóa tăng vọt là động lực chính của chứng khoán Anh, giúp một trong những thị trường chứng khoán phát triển rẻ nhất thế giới dần bắt kịp với các đối thủ khác.

 

Các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với giá hàng hóa cũng giúp đưa chỉ số S&P/TSX Composite của Canada lên mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng và đồng liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay, đem đến cú hích cho ngành khai thác khoáng sản. Trong khi đó, các cổ phiếu trong lĩnh vực này chiếm đến 12% tỷ trọng của S&P/TSX Composite.

Chứng khoán Nhật Bản quay lại đỉnh cao

Chỉ số Nikkei 225 đi lên 16% trong năm nay sau khi bật tăng 28% vào năm ngoái. Nhật Bản đang thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ giá cổ phiếu bằng chiến dịch cải thiện lợi nhuận cho cổ đông, hồi kết của kỷ nguyên lãi suất âm và đồng yen yếu.

Các chuyên gia của BlackRock nghĩ rằng đồng yen mất giá có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Nhưng họ cũng đánh giá tích cực về triển vọng dài hạn của thị trường Nhật Bản, nhờ vào công cuộc cải cách doanh nghiệp, đầu tư trong nước và sự tăng trưởng của tiền lương.

 

Chứng khoán Ấn Độ cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng. Chỉ số S&P BSE Sensex của Ấn Độ đã xác lập kỷ lục mới trong năm 2024 và có tỷ suất sinh lời vượt trội so với chứng khoán Trung Quốc, nhờ các chương trình đầu tư của chính phủ và tốc độ tăng trưởng tốt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới đầu tư đã trở nên cẩn trọng trong những tuần gần đây do cuộc bầu cử thủ tướng và định giá cao của cổ phiếu.

 

Giang