|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hiếm thị trường nào vui như Mỹ: Từ cổ phiếu, bitcoin đến vàng, đồng đều đang mang tiền về cho nhà đầu tư

16:56 | 18/05/2024
Chia sẻ
Các nhà đầu tư Mỹ hiếm khi gặp được chuyện tốt như bây giờ, khi mà giá của hầu hết mọi tài sản từ nhà ở đến cổ phiếu và tiền ảo đều tăng vọt.

 

Tượng bò Phố Wall. (Ảnh: Reuters).

Nhà đầu tư "vớ bẫm"

Hôm 17/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã kết phiên trên mốc 40.000 điểm khi các nhà giao dịch được hưởng lợi từ một môi trường gần như hoàn hảo: lợi nhuận doanh nghiệp ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát hạ nhiệt.

Hầu hết mọi tài sản đều đang tăng giá - từ các cổ phiếu lâu đời trong Dow Jones, cổ phiếu công nghệ tăng trưởng nhanh cho đến bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Ngay cả vàng và các kim loại quý cũng thăng hoa.

Các nhà đầu tư không thích rủi ro cũng có rất nhiều lựa chọn, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi có tỷ suất sinh lời khoảng 5%. Trái phiếu rác và những khoản đầu tư có thu nhập cố định khác cũng tăng theo xu hướng chung.

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Ben Inker - đồng trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại hãng đầu tư GMO - cho biết môi trường đầu tư nói chung hiếm khi hấp dẫn như vậy trong 24 năm qua.

Ông đánh giá nhà đầu tư đang có rất nhiều lựa chọn phù hợp, ví dụ như tuy cổ phiếu tăng trưởng vẫn đắt đỏ nhưng phần còn lại của thị trường thì không.

Mặc dù nhiều người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế, một phần do giá cả không ngừng tăng cao, họ lại lạc quan hơn khi nói đến chứng khoán.

Zakeyma Peterson, một chuyên viên trang điểm 35 tuổi ở Brooklyn (New York), cho biết cô hy vọng danh mục đầu tư của mình sẽ lớn mạnh hơn nữa, một phần vì các cửa hàng vẫn đầy ắp khách khi cô bước vào Bergdorf Goodman và Sephora để mua đồ trang điểm.

Peterson bắt đầu chơi cổ phiếu vào tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 buộc cô phải ở yên trong nhà. “Mọi người sẽ phàn nàn về mọi thứ, nhưng họ vẫn mua sắm như thường”, cô nhấn mạnh.

 

Đà đi lên của thị trường chứng khoán diễn ra theo hai giai đoạn. Năm ngoái, thị trường tăng điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng tỷ lệ lạm phát giảm sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất.

Gần đây hơn, nhà đầu tư thấy nhẹ nhõm khi thu nhập của doanh nghiệp vẫn ổn định và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên. Những người lạc quan cho rằng AI có thể nâng cao năng suất lao động, giúp phát triển các loại thuốc mới,...

Một số khác còn chỉ ra những lợi ích tiềm năng khi doanh nghiệp nỗ lực đưa chuỗi cung ứng trở về quê nhà - một xu hướng được các nhà kinh tế gọi là “reshoring”.

Ông Gary Cohn - hiện là Phó Chủ tịch IBM và từng là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - nhận xét: “Về cơ bản, chúng ta đã thay đổi nền kinh tế. Các công ty đang đầu tư vào Mỹ nhiều hơn so với trong quá khứ”.

Ngay cả những người từng hoài nghi cũng đang có thiện cảm với cổ phiếu. Hồi tháng 1, nhà quản lý danh mục cấp cao của Neuberger Berman là Steve Eismanchia sẻ trên CNBC rằng ông lo “mọi người đang quá lạc quan trước thềm năm mới”.

Giờ đây, ông Eisman cho biết thị trường đang có vị thế tốt hơn so với những năm 1990, thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức thấp và tâm lý phấn khích về internet đã góp phần tạo ra cơn sốt công nghệ.

Ông Chris Davis, Chủ tịch của hãng đầu tư David Funds, thường mô tả mình là một người hay lo nghĩ. Song, bây giờ ông nói: “Thị trường có rất nhiều cổ phiếu có giá hấp dẫn và tôi có cảm giác đây là một kịch bản Goldilocks...”

 

Thiếu mất những người bi quan

Nhìn chung ngày càng nhiều nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, nhưng đây lại là một mối lo khác. Sự lạc quan dường như có lợi cho thị trường, nhưng các nhà phân tích có xu hướng bất an khi hầu hết các nhà đầu tư đều suy nghĩ tích cực vì điều đó cho thấy có rất ít phe gấu chấp nhận “đầu hàng” và bắt đầu mua vào.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thường không giỏi tính toán thời gian và đôi khi trở nên quá phấn khích ngay trước một đợt thoái lui.

Hệ số Bull/Bear của Investors Intelligence cho thấy trong tuần tính đến ngày 14/5, tâm lý lạc quan đang lan rộng, với 56,5% số người được hỏi cho biết họ có góc nhìn tích cực và chỉ 17,7% thấy tiêu cực.

Nhà kinh tế Ed Yardeni cho hay: “S&P 500 hiện đã tăng gần 50% so với mức thấp nhất của thị trường giá xuống vào tháng 10/2022, nên dễ hiểu hầu hết nhà đầu tư đều lạc quan”.

Ông Yardeni là người có nhận định tích cực về thị trường so với hầu hết đồng nghiệp trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, ông đang lo ngại về sự thay đổi nói trên.

 

Một số người cho rằng triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Mỹ chỉ là ảo ảnh và rắc rối sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm nay. Nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của SMBC Nikko Securities lưu ý giá nhà kỷ lục và lãi suất đi vay thế chấp cao sẽ khiến nhiều người Mỹ khó mua nhà.

Tình hình tài chính của thế hệ Baby Boomer nói chung và những người giàu có khác vẫn ổn định, nhưng các quan chức Fed đã nêu lên lo ngại về các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Fed, nhóm những người tiêu dùng này đã cạn kiệt tiền tiết kiệm và có thể “đang chịu thêm nhiều áp lực”.

Các quan chức Fed đề cập đến việc các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình ngày càng dùng đến thẻ tín dụng và dịch vụ mua trước trả sau, cũng như tỷ lệ quá hạn thanh toán đối với một số khoản vay tiêu dùng.

Đầu năm nay, ông LaVorgna từng viết một báo cáo có tiêu đề “Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ suy thoái”, một phần vì ông dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng và nhu cầu lao động sẽ chậm lại.

Wall Street Journal còn đề cập đến một mối lo tiềm tàng khác. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD tiền lãi vay trong thập kỷ tới, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

Tỷ phú Bill Gross, nhà đồng sáng lập gã khổng lồ PIMCO, cảnh báo chính phủ đã vay nợ và chi tiêu quá mức, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng cao và có khả năng sẽ cản trở nền kinh tế.

“Sớm hay muộn thì lợi suất cao cũng sẽ gây hại cho nền kinh tế”, ông nhận định.

Yên Khê

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.