|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát tháng 5 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, khơi lại lo ngại về giảm phát

14:45 | 12/06/2024
Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng khiêm tốn trong tháng thứ 4 liên tiếp. Chuyên gia kinh tế khẳng định áp lực giảm phát tại Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt.

Trung Quốc vẫn cần để mắt tới nguy cơ giảm phát. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg). 

Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng thấp hơn dự kiến, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ 20. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu kéo dài của nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết CPI tháng 5 đi lên 0,3% so với một năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng dương thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn dự đoán trung vị 0,4% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát. Sau khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,6%.

Trong khi đó, PPI đã phản ánh tình trạng giảm phát kể từ cuối năm 2022. Theo số liệu của NBS, PPI sụt 1,4% trong tháng 5 so với một năm trước đó, cho thấy sự cải thiện so với mức giảm 2,5% hồi tháng 4, chủ yếu nhờ sự gia tăng của giá hàng hóa.

Tỷ lệ lạm phát cực kỳ thấp đã thúc đẩy các chuyên gia kinh tế kêu gọi chính phủ Trung Quốc kích thích nhu cầu. Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, khẳng định: “Áp lực giảm phát vẫn chưa tan biến”. Ông lưu ý rằng CPI tháng 5 đã giảm nhẹ 0,1% so với tháng 4.

Vị chuyên gia nói thêm: “Trung Quốc có thể phải tích cực hơn về chính sách tài khóa, tiền tệ và bất động sản để thúc đẩy nhu cầu nội địa một cách hiệu quả”. 

 

Chính phủ Trung Quốc đang phải chật vật thúc đẩy chi tiêu của hộ gia đình trong bối cảnh thị trường bất động sản trì trệ và thị trường việc làm ảm đạm.

Giá sản xuất sụt giảm đang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến họ ngần ngại đầu tư. Áp lực giảm phát cũng gây ra rủi ro người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu để chờ giá các mặt hàng giảm mạnh hơn trong tương lai.

Các công ty công nghiệp ở Trung Quốc từ lâu đã phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giá trong những lĩnh vực như pin và xe điện trở nên gay gắt.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ANZ Banking Group, chỉ ra nếu Bắc Kinh kiềm chế tình trạng dư thừa công suất thì điều đó có thể “giúp cải thiện tình trạng giảm phát giá sản xuất”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chìa khóa để giải quyết áp lực giảm phát là phục hồi nhu cầu trong nước. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn cực kỳ yếu, môi trường lạm phát thấp có vẻ đang trở thành chuyện bình thường”.

Các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát dự đoán lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc sẽ đạt 0,7% trong năm nay, thấp hơn hẳn mục tiêu chính thức 3%.

Tháng trước, Trung Quốc công bố gói giải cứu thị trường bất động sản nhằm cố gắng loại bỏ một thách thức lớn của nền kinh tế tế, bao gồm nới lỏng quy định về khoản vay thế chấp và khuyến khích chính quyền địa phương mua các căn nhà chưa bán được.

Song, giới đầu tư và các nhà phân tích vẫn nghi ngờ rằng quy mô của gói giải cứu không đủ để gỡ rối cho thị trường bất động sản.

Giang