Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc không còn cam phận làm thuê cho doanh nghiệp phương Tây
Làn sóng mới
Thế hệ các nhà xuất khẩu đầu tiên của Trung Quốc đạt được thành công bằng cách chế tạo các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu cho doanh nghiệp phương Tây. Ví dụ, họ sản xuất các bộ bát đĩa bán ở Walmart hay áo phông cho Gap.
Trong khi đó, làn sóng “Made in China” tiếp theo tập trung vào những mặt hàng cao cấp hơn, bao gồm điện thoại, máy ảnh kỹ thuật số và túi xách hàng hiệu. Nhưng doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phục vụ cho các thương hiệu lớn nước ngoài như Apple, Nikon và Prada.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, chỉ một nhóm nhỏ các nhà sản xuất Trung Quốc giành được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu bằng tên tuổi của chính mình.
Hãng máy tính Lenovo và nhà sản xuất thiết bị Haier dựa vào việc thu mua các thương hiệu có tiếng của phương Tây để làm được điều đó. Hãng thời trang nhanh khổng lồ Shein cung cấp mức giá cực thấp để bù đắp cho chất lượng quần áo thường không được tốt, theo tờ Bloomberg.
Thế hệ các thương hiệu mới của Trung Quốc - bao gồm nhà sản xuất robot hút bụi Narwal, máy đọc sách Boox và máy sấy tóc Laifen - lựa chọn con đường khác. Họ muốn thu hút khách hàng bằng hiệu suất sản phẩm, nêu bật các tiến bộ công nghệ để cuộc sống của khách hàng thoải mái hơn.
Thường thì sản phẩm của những công ty này vẫn thấp hơn các đối thủ Mỹ, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đơn cử, máy đọc sách Air3 của Boox có giá 499 USD, cao hơn 100 USD so với mẫu Kindle tương tự của Amazon.
Cả Narwal, Boox và Laifen đều bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng và bên thứ ba. Ba nhà sản xuất này chưa đủ lớn mạnh để lên sàn, nhưng có doanh số bán hàng tốt và nhận được đánh giá tích cực trên các trang bán hàng ở Mỹ và những thị trường khác.
Ông Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Các thương hiệu quốc tế sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, không chỉ trong phân khúc giá rẻ như trước mà còn trong những hạng mục cao cấp hơn”.
Những thương hiệu như Boox hay Narwal có sức hiện diện lớn trong nước và đã tận dụng chủ nghĩa dân tộc của người tiêu dùng Trung Quốc để lớn lên. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và người dân chi tiêu ít hơn.
Tìm đường ra biển lớn
Đối với nhiều nhà sản xuất Trung Quốc, hy vọng duy nhất để tăng trưởng doanh thu hoặc duy trì khả năng sinh lợi hiện tại là đối đầu với các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Ví dụ, Narwal đã giành được hơn 10% thị trường robot lau sàn ở Trung Quốc, nhưng từ năm ngoái hãng này cũng nghiêm túc tập trung vào thị trường quốc tế. Công ty muốn trở nên khác biệt với đối thủ bằng những cải tiến nhỏ, ví dụ như miếng lau sàn tự làm sạch.
Narwal dự kiến doanh thu quốc tế sẽ sớm chiếm 30% tổng doanh thu của công ty, dù mức giá sản phẩm hơn 1.000 USD đặt họ vào vị thế cạnh tranh trực tiếp với công ty dẫn đầu thị trường iRobot.
Tuy nhiên, việc tập trung vào các thị trường nước ngoài khiến doanh nghiệp Trung Quốc dễ bị tổn thương trong xung đột thương mại. Đó là điều đã xảy ra với SAIC Motor, Geely và BYD.
Vào tháng 6, Liên minh châu Âu đã tăng thuế quan đối với một số mẫu xe điện Trung Quốc lên tới 48%. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng gấp 4 lần thuế suất đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ áp thuế 60% lên một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Christopher Marquis, Giáo sư về quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Judge ( Đại học Cambridge), bình luận: “Ngày nay, việc doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực để bán các loại sản phẩm cao cấp sang phương Tây không chỉ là vấn đề về thị trường, nó còn mang tính chính trị.
Vậy nên dù doanh nghiệp Trung Quốc khát khao vươn mình ra quốc tế, rủi ro là thị trường thế giới sẽ không chấp nhận sản phẩm của họ”.
Ông Shili Shao, Giám đốc chiến lược sản phẩm của Narwal, cho biết công ty đang cân nhắc sản xuất một số sản phẩm tại Mỹ, châu Âu và châu Á “để chuẩn bị cho các thay đổi về yêu cầu và thuế quan”.
Narwal không phải công duy nhất có sự chuẩn bị. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài với tốc độ nhanh nhất trong vòng 8 năm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 60 tỷ USD, cao hơn gần 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/