Một cơn sốt phơi bày những rắc rối của các doanh nghiệp Trung Quốc
Những con số ấn tượng
Khi nền kinh tế sa sút, nhiều người vẫn tiêu tiền cho những thú vui nho nhỏ. Phụ nữ phương Tây thích mua son môi, còn giới trẻ thành thị Trung Quốc thì chọn trà sữa để xoa dịu căng thẳng vì thị trường việc làm khó khăn.
Các cửa hàng trà sữa mọc lên ở mọi góc phố của Trung Quốc. Tờ Bloomberg cho biết Trung Quốc có 420.000 hàng trà sữa vào năm 2023, ghi nhận doanh thu 247 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 31,4 tỷ USD)
Ấn tượng không kém những con số trên là dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các thương hiệu trà sữa. Số tiền này đã biến nhiều nhà sáng lập từ người bán hàng rong khiêm tốn thành triệu phú hay thậm chí là tỷ phú, ít nhất là trên giấy tờ.
Heytea, chuỗi trà sữa có trụ sở chính ở Thâm Quyến, được hậu thuẫn bởi các công ty đầu tư như IDG Capital và Hillhouse Investment. Vào năm 2021, Heytea được định giá 60 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 8,2 tỷ USD).
Sichuan Baicha Baidao Industrial - chủ sở hữu chuỗi trà sữa lớn thứ ba Trung Quốc là Chabaido - gọi vốn được hơn 970 triệu nhân dân tệ vào năm ngoái. Công ty lên sàn chứng khoán Hong Kong vào tháng 4 năm nay, huy động được hơn 300 triệu USD.
Đối với người trẻ Trung Quốc, hàng trà sữa là nơi để thư giãn và giải trí. Họ thích nhâm nhi ly nước khi mua sắm và đi chơi với bạn bè, hoặc khi giải lao tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, văn hóa trà sữa cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị tổn thương bởi sự cạnh tranh quá khốc liệt.
Thị trường quá đông đúc
Khi nhận được vốn đầu tư mạo hiểm, các thương hiệu trà sữa coi việc nhượng quyền - thay vì tự quản lý cửa hàng - là cách duy nhất để mở rộng nhanh chóng và lên sàn. Đôi khi, chiến lược này khiến hình ảnh và khả năng sinh lời của họ bị tổn hại.
Trong bán kính khoảng 1,5 km quanh các trung tâm mua sắm lớn ở Trung Quốc có khoảng 50 cửa hàng trà sữa chen chúc, giành khách hàng với nhau. Ví dụ, trung bình một cửa hàng Chabaido tạo ra 2,4 triệu nhân dân tệ doanh thu trong năm 2023, thấp hơn 12% so với năm 2021.
Trà sữa có điểm gì đặc biệt? Để thu hút khách hàng trẻ tuổi lần sau lại ghé quán, các thương hiệu bỏ công tìm kiếm các loại trái cây độc lạ và ra mắt vị mới hàng tuần. Năm ngoái, Chabaido giới thiệu 48 sản phẩm mới, nhưng con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với một số đối thủ.
Auntea Jenny cho ra mắt khoảng 100 hương vị mới vào năm 2023 và cũng đã nộp bản cáo bạch để niêm yết tại thị trường Hong Kong.
Một số hãng trà sữa cũng đang lấn sân sang các thị trường kế cạnh, như trong trường hợp của China Mordern Tea Shop ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Thương hiệu này ăn nên làm ra phần lớn là nhờ địa điểm. Trường Sa nổi tiếng là có cuộc sống về đêm sôi động và món ăn ngon, do đó những người trẻ muốn tiệc tùng đang đổ xô về nơi đây.
Sau 16h30, khách hàng đến China Mordern Tea Shop có thể mua cocktail trà sữa. Nhưng điều này cũng có nghĩa là công ty đang cạnh tranh với các hãng đồ uống đáng gờm như Quý Châu Mao Đài. Hiện tại Quý Châu Mao Đài cũng đang quảng bá cho loại kem có vị bạch tửu do họ phát triển.
Việc các thương hiệu sao chép lẫn nhau và cạnh tranh bằng cách giảm giá hầu như không đem lại lợi ích cho bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng lại làm tăng chi phí của tất cả và dẫn đến tình trạng kiệt sức. Giá cổ phiếu hai hãng trà sữa Nayuki Holdings và Sichuan Baicha đã lao dốc kể từ cuộc IPO.
Kết quả là các thương hiệu đang tìm đường ra thị trường quốc tế. Mixue, chuỗi trà sữa lớn nhất Trung Quốc, có hơn 3.000 cửa hàng ở nước ngoài. Heytea tổ chức buổi khai trương hoành tráng ở New York vào cuối năm ngoái.
Một số người Trung Quốc có thể thấy hài lòng khi nghĩ rằng họ đang xuất khẩu văn hóa trà sữa để đạt quyền lực mềm ở nước ngoài.
Song, bức tranh tổng thể của các doanh nghiệp cho thấy một số vấn đề lớn. Heytea và Mixue hoạt động trong phân khúc trái ngược nhau - một bên là đồ uống cao cấp, một bên là bình dân - nhưng có vẻ cả hai đều không thấy an tâm với thị trường nội địa.
Mỹ và châu Âu lo rằng Trung Quốc đang xuất khẩu sản lượng công nghiệp dư thừa ra thế giới. Trong trường hợp của xe điện, phương Tây cáo buộc nguyên nhân dẫn đến dư thừa là các khoản trợ cấp của Bắc Kinh.
Nhưng dù không có sự can thiệp của chính phủ, các ngành từng có triển vọng xán lạn ở Trung Quốc cũng nhanh chóng trở nên xám xịt bởi quá nhiều đối thủ bám đuổi.