|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây đối mặt 'cú sốc Trung Quốc 2.0': Mỹ xây hàng rào phòng thủ, châu Âu trải thảm chào mời

15:39 | 24/06/2024
Chia sẻ
Châu Âu cùng lúc phải đối mặt với hai mối nguy lớn là hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và kế hoạch gia tăng thuế quan của ông Trump. Trước tình cảnh này, giới lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực thu hút các khoản đầu tư và tiếp thu kiến thức của Trung Quốc.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez gặp Giám đốc Zhang Guibing của nhà sản xuất xe hơi Chery để kỷ niệm liên doanh của hãng xe Trung Quốc với công ty Ebro của Tây Ban Nha. (Ảnh: Zuma Press). 

“Cú sốc Trung Quốc” đầu tiên diễn ra vào năm 2000, khi một lượng lớn hàng hóa được đất nước tỷ dân xuất khẩu ra thế giới. Các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc giúp giữ lạm phát ở mức thấp nhưng gây ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực sản xuất của Mỹ. Trái lại, đ số các nước châu Âu không phải chịu thiệt hại gì.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal (WSJ) cảnh báo rằng tác động của “cú sốc Trung Quốc” thứ hai sẽ đáng ngại hơn nhiều đối với châu Âu. Song, thay vì dựng lên các rào cản mới để ngăn chặn hàng hoá Trung Quốc như những gì Mỹ từng làm, giới lãnh đạo châu Âu lựa chọn giải pháp khác: trải thảm chào mừng.

Phần lớn quan chức châu Âu ủng hộ khoản đầu tư từ những nhà sản xuất pin Trung Quốc như CATL hay những nhà sản xuất xe điện như BYD ở Hungary và Chery Automobile ở Tây Ban Nha.

Trong những năm gần đây, số thương vụ Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu Âu đã lao dốc mạnh, một phần bởi sự giám sát chặt chẽ của các nhà chức trách châu Âu.

Tuy nhiên, hình thức đầu tư greenfield - tức là mở các công ty hoặc nhà máy mới - lại gia tăng nhanh chóng, chiếm 78% vốn FDI của Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái, theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator và Rhodium tổng hợp.

Đề phòng “cú sốc Trung Quốc” và ông Trump

Châu Âu lo sợ rằng họ có thể bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu hoặc bị nhấn chìm bởi làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Cả hai đều là kịch bản ác mộng với lục địa già bởi nền kinh tế của họ phụ thuộc vào ngành sản xuất hơn hẳn so với Mỹ.

Trong tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố tăng thuế quan lên xe điện Trung Quốc - nhưng mức cao nhất vẫn chưa bằng một nửa thuế suất 100% của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch này là lời mời gọi kín đáo để các nhà sản xuất Trung Quốc di dời nhà máy sang châu Âu. Trên thực tế, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu làm vậy.  

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao và Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã hội đàm qua video vào ngày 22/6. Hai bên đồng ý bàn bạc về cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc.

 

Đối với châu Âu và cả Trung Quốc, hợp tác chặt chẽ hơn là chiến lược phòng ngừa rủi ro trong trường hợp ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, bởi ông đã đề xuất áp thuế quan 10% lên mọi sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ bất kể xuất xứ.

Một mặt, đề xuất của ông Trump khiến châu Âu không thể hoàn toàn bắt tay với Mỹ. Mặt khác, kế hoạch trên khuyến khích Trung Quốc hóa giải căng thẳng với châu Âu để duy trì khả năng tiếp cận tới thị trường hấp dẫn này.

Theo đó, các mối quan hệ công nghiệp và công nghệ giữa châu Âu với Trung Quốc có thể sẽ được củng cố, còn liên kết với Mỹ thì yếu đi. Và các thương hiệu ô tô Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng lớn tại châu Âu.

Ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Châu Âu chấp nhận sự tồn tại của tổ hợp công nghiệp Trung Quốc - EU và rõ ràng đang cố gắng khuyến khích sự gắn bó này”.

Chuyên gia Noah Barkin của Rhodium cảnh báo cách tiếp cận trên đem đến rủi ro cho châu Âu. Ông giải thích: “Nếu ngành ô tô châu Âu tiếp tục hội nhập sâu sắc với Trung Quốc còn ngành ô tô Mỹ hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc, nhiều khả năng điều này sẽ gây ra căng thẳng giữa EU và Mỹ”. Kim ngạch xuất khẩu ô tô của châu Âu tới Mỹ lớn gấp đôi so với tới Trung Quốc.

 

Châu Âu học hỏi Trung Quốc

Vì sao châu Âu lại chấp nhận rủi ro bất hòa với Mỹ? Đầu tiên, ngành ô tô của châu Âu đã có mối liên hệ sâu sắc với Trung Quốc thông qua các liên doanh chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc. Khoảng 1/3 doanh thu và một phần lớn lợi nhuận của Volkswagen được tạo ra ở Trung Quốc.

Điều quan trọng hơn là nếu thương mại toàn cầu đổ vỡ, châu Âu sẽ chịu tổn thất lớn hơn nhiều so với Mỹ. Cựu Tổng thống Italy Mario Draghi cho biết số việc làm trong lĩnh vực sản xuất của châu Âu lớn gấp 2,5 lần Mỹ. Hơn 1/3 hàng sản xuất ở châu Âu được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 1/5 của Mỹ.

Sản xuất chiếm 15% tổng sản lượng của châu Âu nhưng chỉ chiếm 11% GDP Mỹ. Con số này phản ánh sự chuyên môn hóa của châu Âu đối với thiết bị và máy móc kỹ thuật công nghệ cao.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng thu mua và dựa vào máy móc của châu Âu để vươn lên thành công xưởng thế giới. Nhưng ngày nay, Trung Quốc đang cạnh tranh với chính các sản phẩm đó. Doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất nhiều máy móc và thiết bị công nghiệp hơn các đối thủ ở Mỹ, Đức và Nhật Bản cộng lại.

Ông Moritz Schularick, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, bình luận: “Xét tổng thể, cú sốc Trung Quốc lần đầu tiên là sự kiện có lợi cho Đức. Nhưng cú sốc thứ hai là lời cảnh tỉnh phũ phàng”.

Trung Quốc từng chào đón đầu tư ngoại để có thể nhập khẩu công nghệ mới. Giờ đây, chuyên gia Barkin của Rhodium chỉ ra: “Châu Âu muốn sự chuyển giao công nghệ diễn ra theo chiều hướng ngược lại”.

Ông Ferdinand Dudenhoeffer, chuyên gia ngành ô tô Đức, dự đoán Trung Quốc sẽ sản xuất 7 triệu chiếc xe điện trong năm nay, còn công suất của châu Âu là 1,2 triệu chiếc. Lợi thế về quy mô cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc vượt lên dẫn trước các đối thủ quốc tế về công nghệ xe điện, bao gồm cả pin.

Việc EU cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển ở châu Âu có thể tạo ra lợi ích là giúp thị trường ô tô của châu Âu và Trung Quốc vượt lên trên Mỹ nhờ công nghệ vượt trội và mức giá rẻ hơn.

Ông Dudenhoeffer cũng khuyến nghị châu Âu cởi mở hơn với Trung Quốc để đề phòng rủi ro từ chính sách thương mại của ông Trump. Ông khẳng định: “Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ giúp châu Âu tiến nhanh hơn đến tương lai. Khu vực tăng trưởng lớn là châu Á, không phải Mỹ”.

 

Giang