|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc có thể nhắm đến những mặt hàng nào nếu muốn trả đũa thuế quan của châu Âu?

09:59 | 21/06/2024
Chia sẻ
Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu và thực phẩm châu Âu. Ô tô Đức cũng có thể rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách.

(Hình minh họa: iStock). 

Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tăng mạnh thuế quan lên xe điện Trung Quốc. Theo tờ Bloomberg, Bắc Kinh có khả năng sẽ dùng thuế quan để áp trả thuế quan. Chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công khai xác định những mặt hàng có thể sẽ bị cho vào tầm ngắm.

Dưới đây là một số mục tiêu mà Trung Quốc có thể nhắm đến và những quốc gia châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất:

Rượu brandy: Pháp chịu khổ 

Bắc Kinh công bố cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu brandy vào tháng 1. Thông thường, quá trình điều tra có thể kéo dài hơn một năm, nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng có thể công bố thuế quan sơ bộ vào bất cứ lúc nào.

Thực phẩm và nông sản thường là mục tiêu của các rào cản thương mại. Trong những trường hợp xung đột thương mại trong quá khứ, Bắc Kinh từng nhắm tới những mặt hàng không thiết yếu hoặc có thể thu mua từ nơi khác nhưng Trung Quốc là thị trường lớn của nước xuất khẩu.

Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc có thể chỉ phải chịu thiệt hại nhỏ, nhưng nhà sản xuất có nguy cơ phải chịu tác động lớn.

Rượu brandy phù hợp với mô tả trên. Người Trung Quốc luôn có thể uống loại rượu khác, nhưng tác động đến Pháp - một trong những quốc gia lớn nhất ủng hộ cuộc điều tra xe điện của EU - sẽ rất đáng kể. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu brandy lớn thứ hai của Pháp trong năm 2023.

 

Ô tô: Đức đứng mũi chịu sào

Tháng trước, Phòng Thương mại Trung Quốc ở EU cho biết ô tô nhập khẩu với động cơ lớn có thể là một trong những mục tiêu của Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 19/6 rằng một số hãng xe trong nước đã đề xuất chính phủ tăng thuế quan đối với ô tô có động cơ lớn của châu Âu.

Nếu thuế quan chỉ áp dụng với các nhà xuất khẩu của châu Âu thì hai nước chịu thiệt hại chủ yếu sẽ là Đức và Slovakia. Còn nếu thuế quan áp dụng với toàn bộ ô tô nhập khẩu, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trung Quốc từng hạ thuế quan đối với ô tô chở khách nhập khẩu xuống 15% vào năm 2018 nhằm giảm bớt căng thẳng với Mỹ. Nay Bắc Kinh có thể nâng mức thuế này lên 25% mà vẫn phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), theo ông Brad Setser, cựu cố vấn cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

 

Trong những cuộc xung đột thương mại trước đây, Bắc Kinh đã tỏ ý sẵn sàng áp thuế quan lên ô tô. Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh từng tăng thuế đối với ô tô Mỹ lên tới 40%, sau đó mới cắt giảm.

Phần lớn ô tô mà Trung Quốc nhập khẩu từ châu Âu có vẻ đến từ các hãng xe sang như Porsche, Mercedes-Benz hay BMW. So với thực phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc không có nhiều lựa chọn thay thế bằng, nhưng họ vẫn có thể mua xe điện hạng sang của các doanh nghiệp trong nước.

Thịt heo: Tây Ban Nha đau đầu

Trong tuần này, Bắc Kinh đã phát động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt heo nhập khẩu từ EU. Nếu cuộc điều tra dẫn đến hàng rào thuế quan, tác động của nó sẽ tập trung vào những nhà cung cấp hàng đầu như Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của các nhà xuất khẩu thịt heo Tây Ban Nha vào năm ngoái.

Một lần nữa, Trung Quốc có thể sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng từ động thái này. Nguồn cung thịt heo của nước này chủ yếu đến từ những nhà chăn nuôi nội địa. Trung Quốc cũng có thể tìm đến các nước xuất khẩu khác như Mỹ và Brazil nếu cần thiết, hạn chế rủi ro tăng giá do cung không đủ cầu.

 

Sữa: Đan Mạch phiền lòng

Các sản phẩm sữa đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo là một trong những mục tiêu Bắc Kinh nhắm đến. Sữa là sản phẩm Trung Quốc không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và những quốc gia tiềm năng khác có thể thế chỗ châu Âu.

New Zealand cung cấp khoảng một nửa lượng sữa nhập khẩu của Trung Quốc. Khoảng 1/3 khác đến từ EU. Đan Mạch, Hà Lan, Đức và Pháp đều sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc thiết lập rào cản mới.

 

Máy bay: Khó có thể bị ảnh hưởng

Hàng không cũng được nhắc đến là một trong những lĩnh vực có thể chịu sự trả đũa của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là thế giới chỉ có hai nhà cung cấp chính đối với máy bay chở khách cỡ lớn và do đó kịch bản này ít có khả năng xảy ra.

Nếu chĩa mũi dùi vào Airbus của châu Âu, Trung Quốc chỉ còn lựa chọn duy nhất là Boeing của Mỹ. Nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ không muốn gia tăng sự phụ thuộc vào doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trước nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống.

Hơn nữa, Boeing đang gặp phải rất nhiều vấn đề về an toàn, còn Airbus thì lắp ráp một số máy bay tại Trung Quốc nên có thể chính phủ sẽ không muốn trừng phạt họ.

Giang