|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong khi Gen Z Mỹ vay nợ để ăn chơi, giới trẻ Trung Quốc dậy lên làn sóng ‘tiết kiệm trả thù’

13:48 | 02/07/2024
Chia sẻ
Làn sóng “mua sắm trả thù” hậu đại dịch vẫn đang tiếp tục tại Mỹ, nhưng xu hướng ngược lại đang diễn ra tại Trung Quốc. Một bộ phận người trẻ Trung Quốc đặt ra các mục tiêu tiết kiệm cực kỳ khắt khe và chia sẻ quá trình lên mạng xã hội.

Một người phụ nữ trẻ đếm tiền xu. (Ảnh: Getty Images). 

Chung tay tiết kiệm

Thay vì vung tiền mua sắm không cần suy nghĩ, giới trẻ Trung Quốc đang quyết liệt tiết kiệm trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nhiều thách thức. Tiết kiệm trả thù đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đặt ra mục tiêu hàng tháng cực kỳ khắt khe.

Người dùng “Little Zhai Zhai” 26 tuổi nêu chi tiết nỗ lực của bản thân nhằm hạn chế chi tiêu xuống còn 300 nhân dân tệ (tương đương khoảng 41,3 USD) một tháng. Gần đây, Little Zhai Zhai vừa đăng một video cho biết cô đang hạn chế chi phí ăn uống mỗi ngày xuống 10 nhân dân tệ (khoảng 1,4 USD).

Những người khác tìm kiếm “đối tác tiết kiệm” trên mạng xã hội. Những đối tác này tạo ra hội nhóm để đảm bảo các thành viên gắn bó với mục tiêu. Các biện pháp tiết kiệm khác có thể kể đến như đi ăn tại căng-tin cộng đồng thường dành cho người lớn tuổi. Những nơi này thường bán các suất ăn tươi với giá tương đối rẻ.

Ông Shaun Rein, Giám đốc điều hành China Market Research Group, nói với CNBC: “Lớp trẻ Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm trả thù. Gen Z thường tiêu pha nhiều hơn những gì họ kiếm được và vay tiền để mua các món đồ xa xỉ như túi xách Gucci và iPhone của Apple, nhưng người trẻ Trung Quốc đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn”.

Các dấu hiệu khác cho thấy lớp trẻ Trung Quốc đang thắt chặt ví là những từ khóa thông dụng như “tiêu dùng đảo ngược” và “nền kinh tế keo kiệt”. Cụm đầu tiên dùng để chỉ nỗ lực nhằm giảm chi tiêu, cụm thứ hai dùng đề cập đến việc tìm kiếm các chương trình giảm giá và khuyến mãi khi mua sắm.

Khác với những gì diễn ra tại Trung Quốc, người trẻ Mỹ - đặc biệt là thế hệ Gen Z (những người sinh năm 1997 - 2012) - lại đang vay nợ để đi du lịch, theo kết quả một số cuộc khảo sát.

Báo cáo của Intuit cho thấy thay vì giảm chi tiêu để tăng tiền tiết kiệm, 73% Gen Z ở Mỹ cho biết họ thà có chất lượng sống tốt còn hơn là có thêm tiền cất trong ngân hàng.

Không còn lựa chọn nào khác?

Vậy tại sao người trẻ Trung Quốc lại ngày càng thận trọng trong việc chi tiêu? Ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, bình luận: “Có lẽ giới trẻ Trung Quốc cảm nhận được rằng nền kinh tế hiện nay không tốt lắm, giống như mọi người khác”.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tổng tiền tiết kiệm của các hộ gia đình trong quý I tăng 11,8% so với một năm trước.

GDP của Trung Quốc tăng vượt kỳ vọng trong ba tháng đầu năm, ghi nhận mức tăng trưởng 5,3%. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế tỷ dân sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2025.

 

Các chuyên gia nói với CNBC rằng một vấn đề khác đối với người trẻ Trung Quốc là thị trường lao động hiện nay cực kỳ khó khăn đối với họ.

Bà Jia Miao, phó giáo sư tại Đại học NYU Shanghai, cho biết: “Việc mọi người từ chối tiêu tiền là hiện tượng có thật tại Trung Quốc. Đối với một số người trẻ, lý do đơn giản là họ không tìm được việc làm hay thấy rằng việc tăng thu nhập khó khăn hơn nhiều. Do đó, những người trẻ này không còn lựa chọn nào khác ngoài chi tiêu ít đi”.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 đến 24 tại Trung Quốc đạt 14,2% vào tháng 5, cao hơn hẳn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 5%.

Một cuộc khảo sát khác cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của cử nhân Trung Quốc vào năm 2023 là 6.050 tệ (tương đương khoảng 832 USD), nhỉnh hơn 1% so với năm trước đó, theo các báo cáo tại Trung Quốc do MyCOS tổng hợp và thông tin đăng trên truyền thông địa phương. 

Giám đốc Rein bình luận: “Sự tự tin và sở thích mua sắm theo cảm xúc của giới trẻ Trung Quốc đã phai nhạt. Để người trẻ cảm thấy thoải mái đến mức họ có thể chi tiêu mạnh tay thì thị trường việc làm phải bùng nổ trong ít nhất vài năm”.

Giang