Sau 4 năm nỗ lực giảm phụ thuộc vào phương Tây, Trung Quốc đạt được bao nhiêu thành công?
Cần 20 năm để bắt kịp
Đã qua lâu rồi cái thời con người phải dùng lừa để vận chuyển hàng hóa và cà rốt như một loại “nhiên liệu” để thúc chân chúng. Nhưng đối với Trung Quốc ngày nay, cà rốt vẫn là ưu tiên quan trọng của các nhà chức trách.
Hai năm trước, một công ty nông nghiệp ở Thượng Hải đã được chính phủ giao trọng trách là thay thế hạt giống nhập khẩu với hạt giống “do chúng ta tự phát triển”. Anh Samuel Ling - chuyên gia về hạt giống của công ty đó - tiết lộ với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng ưu tiên hàng đầu của họ là một loại cà rốt mới.
Giống như nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc, “tự lực” đã trở thành tôn chỉ của nông nghiệp. Trung Quốc quan tâm đến việc tăng cường năng lực sản xuất từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra năm 2018 và càng chú trọng hơn nữa sau khi Bắc Kinh công bố chiến lược “tuần hoàn kép” vào năm 2020.
Từ hạt giống đến chip bán dẫn, Trung Quốc đang chạy đua để thay thế công nghệ và hàng hóa phương Tây với sản phẩm trong nước. Theo chiến lược tuần hoàn kép, Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước - tức lưu thông nội bộ - nhằm thích ứng với môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp. Đồng thời Trung Quốc sẽ giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, hay còn gọi là lưu thông bên ngoài.
Công ty của anh Ling được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc xếp hạng là nhà sản xuất hạt giống được hỗ trợ tài chính đặc biệt. Đến giờ anh và các đồng nghiệp vẫn chưa tạo ra được bước đột phá.
Anh chia sẻ: “Phát triển hạt giống không phải công việc có thể dễ dàng đạt được trong vài năm ngắn ngủi. Nhưng tôi nghĩ đây là mục tiêu đáng bỏ công sức, bởi người nông dân Trung Quốc sẽ tiếp cận được với hạt giống rẻ hơn do chúng tôi phát triển”.
4 năm đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố chính sách “tuần hoàn kép”. Một số lĩnh vực đã đạt được bước tiến rõ rệt, nhưng các nhà quan sát và nhà nghiên cứu cho biết hầu hết những lĩnh vực khác sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để cho thấy kết quả cụ thể.
Các nhà quan sát cảnh báo rằng tại Hội nghị Trung ương Kỳ 3, Trung Quốc sẽ tập trung hơn nữa vào nền kinh tế nội địa và đẩy mạnh việc tách rời với nền kinh tế Mỹ.
Ông Zhang Jun, Trưởng khoa Kinh tế của Đại học Phúc Đán, đánh giá: “Trung Quốc đang chạy đua để thay công nghệ của phương Tây với công nghệ trong nước. Nhưng dù đang chạy rất nhanh, Trung Quốc chỉ có thể bắt kịp sau một hoặc hai thập kỷ nữa bởi chúng ta có khởi đầu muộn”.
Điều trớ trêu
Sự chậm trễ đó được thể hiện qua vai trò của Trung Quốc trong những công nghệ thiết yếu. Trong lưu ý nghiên cứu tháng 4, Northeast Securities ước tính chỉ khoảng 7% thiết bị bán dẫn cốt lõi sử dụng tại Trung Quốc được sản xuất trong nước. Tỷ trọng của linh kiện bán dẫn nội địa còn thấp hơn - ước tính chưa đến 5%.
Nghiên cứu tháng 3 của Sinolink Securities cho thấy Trung Quốc chiếm chưa đến 10% nguồn cung toàn cầu cho máy điều khiển số bằng máy tính 5 trục - công cụ cắt tiên tiến nhất trong lĩnh vực gia công tốc độ cao. Ước tính giá trị thị trường thế giới của những công cụ này vào khoảng 7 tỷ USD.
Nhưng một số lĩnh vực khác đã đạt được tiến triển nhanh hơn nhiều kể từ năm 2020, đặc biệt là viễn thông - ngành được thống trị bởi các công ty nhà nước.
Hãng nghiên cứu EO Intelligence viết trong báo cáo tháng 9/2023 rằng khoảng 60% phần cứng viễn thông ở Trung Quốc là hàng nội địa. Tuy nhiên, tiến trình thay thế phần mềm diễn ra chậm hơn nhiều do các sản phẩm của Trung Quốc có hiệu suất thấp hơn phương Tây.
Ông Han-Shen Lin, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn The Asia Group, lưu ý: “Điều trớ trêu là các nỗ lực tự cung tự cấp có thể sẽ khiến Trung Quốc càng phụ thuộc hơn vào thị trường toàn cầu”. Ông lấy ví dụ là ngành xe điện đang dư cung.
Vị giám đốc nói tiếp: “Trung Quốc sẽ cần xuất khẩu những chiếc xe điện dư thừa ra nước ngoài. Do đó, Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự cởi mở của phần còn lại của thế giới, và bản thân Trung Quốc cũng cần tiếp tục mở cửa với phương Tây”.