Nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế của ông Tập sắp đến ngày gặt hái thành quả?
Cải cách lớn
Rất nhiều chuyên gia hoặc tổ chức quốc tế trình bày quan điểm bi quan về các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng mặt khác, thế giới cũng ngày càng lo ngại về thế thống trị của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Các dữ liệu trái chiều công bố hôm 15/7 cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang bị lấn át bởi sự ảm đạm của tiêu dùng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn tiếp tục. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2024 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 quý.
Tuy nhiên, qua màn sương mù, một tín hiệu sáng cũng lóe lên: nỗ lực theo đuổi “tăng trưởng kinh tế chất lượng cao” dựa trên công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang bắt đầu tạo ra được thành quả.
Các bước tiến về công nghệ và sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu nhờ những tiến bộ này giúp GDP Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng phù hợp với mục tiêu khoảng 5%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc thấp hơn dự kiến 15/07/2024 - 10:39
Nếu Bắc kinh có thể tiếp tục vượt qua các nỗ lực kiềm tỏa do Mỹ dẫn dắt, Bloomberg Economics dự đoán lĩnh vực công nghệ cao sẽ đóng góp cho 19% GDP Trung Quốc vào năm 2026, cao hơn đáng kể mức 11% hồi năm 2018.
Nếu gộp công nghệ cao với “ba lực lượng mới” gồm xe điện, pin và tấm pin mặt trời thì tỷ trọng của nhóm này trong GDP Trung Quốc sẽ lên đến 23% vào năm 2026, quá đủ để bù đắp khoảng trống từ lĩnh vực bất động sản. Dự kiến tỷ lệ đóng góp của ngành bất động sản sẽ sụt giảm từ 24% xuống 16%.
Hai nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu của Bloomberg Economics bình luận: “Việc nhiều người bi quan về triển vọng của Trung Quốc là điều dễ hiểu, nhưng nỗi lo này đã bị thổi phồng. Chính phủ Trung Quốc có thể sắp thực hiện được công cuộc tái cân bằng vĩ đại”.
Thành phố Từ Châu nằm giữa Bắc Kinh và Thượng Hải - cùng với 9 triệu người dân nơi đây - cũng đang nỗ lực để thích ứng đối với cuộc chuyển đổi mà ông Tập khởi xướng.
Cho tới khoảng một thập kỷ trước, Từ Châu vẫn dựa vào những ngành công nghiệp nặng như than, thép và xi-măng. Bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng ở thành phố này giống như nhiều khu vực khác.
Sự xuống dốc của thị trường địa ốc gây ra hậu quả nặng nề với Từ Châu. Cùng với tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Từ Châu đã đóng cửa các mỏ than và nhà máy thép, hướng tới ba lĩnh vực mới là năng lượng mới, vật liệu mới và chế tạo máy móc.
Bước ngoặt trên diễn ra cùng với sự trỗi dậy của GCL Technology, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về polysilicon - vật liệu thiết yếu đối với tấm pin mặt trời. Công nghệ sản xuất của GCL tiêu tốn ít điện năng hơn hẳn các nhà sản xuất phương Tây.
Nhờ bước đột phá công nghệ, GCL cắt giảm được chi phí, tăng cường sản lượng và chiếm lấy thị phần. Công ty cho biết họ tạo ra hơn 5.000 việc làm, hỗ trợ hơn 450 nhà cung cấp ở Từ Châu trong 5 năm qua, trở thành động lực chính cho ngành công nghiệp xanh địa phương.
Ông Xu Zhenyu, trợ lý phó giám đốc bộ phận kinh doanh polysilicon của GCL, cho biết: “Từ một kẻ đi sau, chúng tôi đã có được vị thế dẫn đầu trong ngành”.
Đây chính là kiểu chuyển đổi mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy khi ông nhân kỳ họp chính trị tháng 10/2017 để công bố kế hoạch chuyển hướng nền kinh tế từ tăng trưởng tốc độ sao sang “chất lượng cao”.
Ông phát biểu: “Kể từ thập niên 1960, chỉ có khoảng một chục trong số hơn 100 quốc gia thu nhập trung bình gia nhập nhóm có thu nhập cao. Những quốc gia thành công đều trải qua quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng sau một thời gian mở rộng nhanh chóng”.
Bất chấp chu kỳ bùng nổ và sụp đổ của ngành bất động sản, các cuộc phong tỏa ngắt quãng trong đại dịch COVID-19, ông Tập vẫn theo đuổi kế hoạch trên.
Hai mặt của vấn đề
Việc Bắc Kinh tập trung vào công nghệ đồng nghĩa với những lĩnh vực gắn với các động cơ tăng trưởng kinh tế cũ không còn được chú trọng.
Tại Từ Châu, chuyển đổi kinh tế là quá trình khó khăn đối với những người không làm việc trong các lĩnh vực mới. Bà Gao (43 tuổi) cho biết doanh số tại cửa hàng nội thất bán giường trẻ em của bà đã giảm một nửa trong năm nay.
Bà cho biết: “Doanh số giảm mạnh sau Tết Nguyên đán. Tôi có cảm giác như mọi người đều đang gặp khó khăn, ngay cả trong các ngành khác. Tôi chưa bao giờ lo lắng đến thế”.
Trên khắp Trung Quốc, sự suy yếu của thị trường bất động sản đã làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao một cách đáng ngại, cuộc chiến giá cả trong những ngành như xe cộ đè nặng lên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhưng chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn không tung ra các biện pháp kích thích quy mô lớn. Thay vì nỗ lực thúc đẩy nhu cầu, các nhà lãnh đạo kiên quyết chú tâm đến các chính sách hỗ trợ nguồn cung.
Theo tờ Bloomberg , các cố vấn của Bắc Kinh tin rằng việc tăng nguồn cung các sản phẩm cao cấp sẽ kích thích tâm lý muốn sở hữu chúng của người tiêu dùng. Cùng với đó, mức lương hậu hĩnh mà doanh nghiệp trả cho người lao động sẽ cho họ nguồn tiền để mua sắm.
Nhưng ông David Li Daokui, một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ, lo ngại rằng nỗ lực thúc đẩy ngành công nghệ sẽ đặt nhiều tiền vào tay doanh nghiệp hơn, còn ví của người tiêu dùng thì mỏng đi.
Điều đó có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập - hiện tượng xảy ra ở nhiều nước phát triển. Ông đang soạn đề xuất để kêu gọi chính phủ hạn chế việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số ngành nghề nhất định để ngăn chặn nguy cơ nhiều việc làm bị xóa sổ.
Ông Li cho biết: “Công nghệ đang thay thế người làm trong những lĩnh vực như tin tức, kế toán, luật pháp và quảng cáo theo nghĩ đen".