Dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc, lập kỷ lục trong quý II
Tín hiệu tiêu cực
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lượng tiền kỷ lục khỏi Trung Quốc trong quý vừa qua. Theo tờ Bloomberg, nhiều khả năng động thái này phản ánh tâm lý bi quan của giới đầu tư về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong cán cân thanh toán quốc tế đã giảm gần 15 tỷ USD trong quý II, đánh dấu lần thứ hai số liệu này chuyển sang âm trong lịch sử. Tính trong nửa đầu năm 2024, FDI vào Trung Quốc đã sụt khoảng 5 tỷ USD.
Nếu xu hướng trên tiếp diễn trong 6 tháng còn lại thì Trung Quốc sẽ ghi nhận năm đầu tiên dòng vốn bị rút ròng kể từ ít nhất là năm 1990.FDI vào Trung Quốc đã sụt giảm trong những năm gần đây sau khi đạt đỉnh 344 tỷ USD vào năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những nguyên nhân thúc đẩy một số doanh nghiệp giảm bớt rủi ro tại đất nước tỷ dân.
Cuộc chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện tại Trung Quốc cũng khiến doanh nghiệp ngoại bị bất ngờ, dẫn đến việc một số công ty quyết định rút lui hoặc giảm bớt quy mô đầu tư.
FDI sụt giảm bất chấp thực tế là Bắc Kinh đang ngày càng nỗ lực để thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện họ vẫn cởi mở và hấp dẫn đối với doanh nghiệp ngoại, hy vọng những công ty đó sẽ đem các công nghệ tiên tiến đến nước này.
Các công ty đa quốc gia có nhiều động lực để giữ tiền ở nước ngoài thay vì ở Trung Quốc bởi nhiều nước phát triển đang tăng lãi suất còn Trung Quốc thì hành động ngược lại để kích thích nền kinh tế.
Dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước đó cho thấy FDI mới vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra..
Tăng cường đầu tư ra nước ngoài
Khoản mục đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cũng lập kỷ lục. Doanh nghiệp Trung Quốc gửi 71 tỷ USD ra các nước khác trong quý II, tăng 80% so với một năm trước.
Giới doanh nghiệp Trung Quốc đang nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư ra quốc tế. Tiền được đổ vào những dự án như nhà máy sản xuất pin và xe điện.
Dữ liệu mới nhất của SAFE cũng cho thấy mức chênh lệch giữa thặng dư thương mại được ghi nhận trong cán cân thanh toán và sổ sách hải quan tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục là 87 tỷ USD trong quý II và gần 150 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã ra báo cáo phản ánh sự chênh lệch này và kêu gọi Trung Quốc giải thích.
Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết khác biệt nhiều khả năng bắt nguồn từ việc hai nước sử dụng những phương pháp khác nhau để ghi lại hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá.