|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CPI tháng 7 của Trung Quốc tăng vượt dự báo nhưng nỗi lo vẫn còn nguyên

14:07 | 09/08/2024
Chia sẻ
Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng cao hơn dự kiến trong tháng 7, chủ yếu nhờ các yếu tố mùa vụ như thời tiết.

 

Người dân đi lại trên một con phố ở Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Nỗi lo giảm phát vẫn còn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng cao hơn dự kiến trong tháng 7, chủ yếu nhờ các yếu tố mang tính mùa vụ như thời tiết.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), CPI tháng 7 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt ước tính 0,3% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg.

Không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Thời tiết bất lợi kéo giá rau và trứng đi lên trong tháng 7, đảo ngược đà giảm trong tháng trước. Diễn biến này đã giúp giá thực phẩm chấm dứt chuỗi giảm kéo dài cả năm qua.

Giá thịt heo tăng mạnh nhất kể từ năm 2022, nhờ mức nền năm ngoái thấp. Đây cũng là một động lực khác giúp CPI đi lên.

Trong số các mặt hàng không phải thực phẩm, giá ô tô, điện thoại thông minh và đồ gia dụng dẫn đầu mức giảm. Số liệu cho thấy tác động lan toả dai dẳng từ cuộc chiến giá và khủng hoảng nhà đất.

Bà Dong Lijuan, nhà phân tích trưởng tại NBS, cho rằng số liệu CPI mới nhất tăng là do “nhu cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi". Song, bà cũng lưu ý nắng nóng và mưa lớn ở một số khu vực đã tác động đến giá cả.

Báo cáo của NBS còn cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục chuỗi giảm phát bắt đầu vào cuối năm 2022. Theo đó, PPI tháng 7 tụt 0,8% so với cùng kỳ, tương đương với mức giảm vào tháng 6.

 

Phục hồi nhu cầu

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với áp lực giảm phát. Bloomberg cho biết một thước đo khác cho thấy giá tiêu dùng ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999.

Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư yếu đã khơi mào cho cuộc chiến giá khốc liệt trong các lĩnh vực như xe điện và năng lượng mặt trời.

Cạnh tranh căng thẳng gây tổn hại đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng do họ kỳ vọng giá cả sẽ còn đi xuống trong tương lai.

Đánh giá về báo cáo mới của NBS, bà Serena Zhou, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Securities Asia, cho hay: “Điều kiện thời tiết bất lợi và giá thịt heo thấp vào cùng kỳ năm ngoái là những động lực chính giúp CPI tăng, thay vì nhu cầu nội địa".

Phục hồi nhu cầu trong nước là một mục tiêu ngày càng cấp bách của Trung Quốc khi xuất khẩu - điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế năm nay - vừa bất ngờ chững lại vào tháng 7, báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang nguội đi.

Tại một cuộc họp gần đây, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh tuyên bố sẽ tập trung nhiều hơn vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu.

Chính phủ đã công bố một kế hoạch hành động gồm 20 bước để khuyến khích chi tiêu tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ, dù văn bản này liệt kê rất ít ưu đãi tài chính để thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Zhou của Mizuho cho hay: "Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tài khoá và tiền tệ trong nửa cuối năm nay”.

 

Yên Khê