|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đằng sau lời cảnh báo thổi bay 55 tỷ USD: Tín hiệu đáng lo khác về nền kinh tế Trung Quốc

15:42 | 27/08/2024
Chia sẻ
Một trong những điểm sáng hiếm hoi của lĩnh vực tiêu dùng Trung Quốc đang nhanh chóng lụi tàn, khi tình trạng yếu ớt của nền kinh tế cuối cùng cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của cả những mặt hàng dễ tiếp cận nhất.

Người đi bộ trên phố Nam Kinh ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Lời cảnh báo thổi bay 55 tỷ USD

Hồi đầu tuần này, PDD Holdings - chủ sở hữu của nền tảng thương mại điện tử Temu - vừa phát đi một tín hiệu cảnh báo mới về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, vào ngày 26/8, PDD đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên với triển vọng kinh doanh ảm đạm bất thường. Công ty còn báo cáo doanh thu không đạt ước tính của các nhà phân tích.

Trước đó, PDD vẫn là cái tên mà các nhà đầu tư ưa thích, nơi chào bán những mặt hàng giá rẻ giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời kỳ nền kinh tế suy yếu.

Trong cuộc họp báo, CEO Chen Lei đã nhấn mạnh ít nhất 8 lần rằng doanh thu và lợi nhuận của PDD “khó có thể tránh khỏi” kịch bản sụt giảm khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

“Chúng tôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới, từ nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự bất ổn trong môi trường toàn cầu”, ông Lei, một trong những nhân viên đầu tiên của PDD, bày tỏ.

 

Vị CEO và các cấp dưới đã cẩn thận lưu ý rằng PDD vẫn tin tưởng vào người tiêu dùng Trung Quốc trong dài hạn - một ưu tiên lớn của Bắc Kinh trong nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế.

Song, thiệt hại cho ông lớn thương mại điện tử này thì đã rõ. Kết phiên 26/8, cổ phiếu của PDD trên sàn Nasdaq giảm 29% - mạnh nhất từ trước đến nay. Vốn hoá của công ty bốc hơi khoảng 55 tỷ USD.

Được thành lập bởi cựu kỹ sư Google Colin Huang vào năm 2014, trong những năm qua, PDD đã kết hợp yếu tố giá rẻ với chiến lược mở rộng tại khu vực nông thôn để Pinduoduo giành thị phần từ các đối thủ Alibaba và JD.com.

PDD cũng áp dụng công thức tương tự để phát triển Temu, ứng dụng dành cho thị trường quốc tế được ra mắt tại sự kiện Super Bowl năm ngoái. Temu đã trở thành một hiện tượng mua sắm giống như Shein, có thời điểm thu hút lượt tải kỷ lục ở Mỹ.

Nhờ hai cú hích đó, vốn hoá của PDD đã tăng gấp 6 lần kể từ cuối năm 2022, đưa ông Huang trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, Huang chỉ giữ vị trí này trong 18 ngày, cho đến đợt bán tháo đầu tuần.

Vấn đề hệ trọng hơn cả

Lời cảnh báo của PDD khiến các nhà đầu tư sửng sốt vì công ty từ lâu đã được coi là đối tượng hưởng lợi chính khi người tiêu dùng Trung Quốc ưu tiên hàng hoá giá rẻ hơn trong bối cảnh nền kinh tế biến động.

Cũng vào đầu tuần này, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Din Tai Fung tiết lộ họ sẽ đóng cửa hơn một chục chi nhánh. Tháng trước, Starbucks thông báo doanh thu tại Trung Quốc đã giảm 14% trong quý II.

Trong khi Starbucks và Din Tai Fung đã gặp khó khăn được một thời gian, lời cảnh báo của PDD đặc biệt đáng ngại hơn. Tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế tỷ dân, đã suy yếu đáng kể trong năm nay.

“Vấn đề lớn hơn hết là sự yếu kém của người tiêu dùng Trung Quốc”, ông Joshua Crabb, trưởng bộ phận chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tại Robeco Hong Kong, nhận xét.

Do giá bất động sản lao dốc và thị trường việc làm ảm đạm, người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu. Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực phải giảm sâu giá bán để thu hút khách hàng, dẫn đến các cuộc chiến gay gắt về giá.

Doanh số bán lẻ chỉ tăng trưởng hơn 3% trong 7 tháng đầu năm 2024, thấp hơn nhiều con số hơn 8% trong giai đoạn trước đại dịch.

Theo một cuộc khảo sát do ngân hàng trung ương thực hiện vào quý II, niềm tin của người dân vào thu nhập trong tương lai đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, thời điểm Trung Quốc vẫn đang phong toả nghiêm ngặt.

Gần một nửa số cư dân được khảo sát cho biết tình hình việc làm “xấu và khó khăn”- đây là tỷ lệ cao nhất kể từ cuối năm 2022. Gần hai phần ba cho biết họ muốn tiết kiệm nhiều hơn, dao động gần mức đỉnh lịch sử xác lập năm ngoái.

 

CEO Lei của PDD hàm ý rằng hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc đang trải qua một thay đổi lớn, có vẻ họ đang dần tránh xa những sản phẩm giá rẻ.

“Người tiêu dùng đang cân nhắc thấu đáo hơn để cân bằng giữa chất lượng và giá trị sản phẩm”, ông Lei nói. “Để ứng phó, chúng tôi đã hợp tác với các thương hiệu và nhà sản xuất chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới”.

Theo đánh giá của hai nhà phân tích Eddy Wang và Kathy Zhu thuộc Morgan Stanley, kết quả kinh doanh của PDD “ngụ ý sức mua yếu và tính cạnh tranh gay gắt trên thị trường”.

Về lâu dài, triển vọng tương lai của PDD và lĩnh vực tiêu dùng Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thị trường việc làm và chiến lược điều hành nền kinh tế của Bắc Kinh.

Các nhà chức trách đã tìm cách trấn an người dân rằng họ sẽ có đủ việc làm ngay cả khi nền kinh tế chững lại. Đồng thời, chính phủ còn kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước mở rộng hoạt động tuyển dụng và dạy nghề.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa cung cấp thêm các biện pháp hỗ trợ khác cho người tiêu dùng, dù nhiều nhà kinh tế đã kêu gọi chính phủ phát tiền mặt hay voucher mua hàng cho người dân, chí ít là cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Bắc Kinh cũng không triển khai các biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng tiền lương, yếu tố rất quan trọng để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.

Yên Khê

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.