Rủi ro giảm phát gia tăng, đe doạ mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc
Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 8, là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn để thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình trong bối cảnh nước này có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ. Con số này chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tăng 0,5% của tháng 7 nhưng thấp hơn ước tính trung vị 0,7% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg.
Trong khi đó, giá sản xuất vẫn trong xu hướng giảm phát. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 1,8% so với cùng kỳ, mạnh hơn ước tính giảm 1,5% của các nhà kinh tế.
Ông Dong Lijuan, nhà thống kê cao cấp tại NBS, cho biết giá tiêu dùng tăng khiêm tốn một phần là do chi phí thực phẩm đi lên trong bối cảnh thời tiết bất lợi.
Vị chuyên gia nói: “Vào tháng 8, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao, thời tiết mưa gió và các yếu tố khác, CPI đã khởi sắc so với tháng liền trước và đà tăng so với cùng kỳ tiếp tục nới rộng”.
Nhu cầu suy yếu khiến Bắc Kinh có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 là khoảng 5%, vì hiện tại người tiêu dùng đang trì hoãn việc mua sắm và doanh nghiệp đẩy mạnh việc cắt giảm tiền lương.
Gần đây, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (PBoC) Trung Quốc Yi Gang đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nên tập trung chống áp lực giảm phát “ngay bây giờ”. Đây là bình luận hiếm hoi từ một nhân vật nổi tiếng tại Trung Quốc về cuộc chiến chống lại đà giảm của giá cả.
Phát biểu tại hội nghị Bund ở Thượng Hải vào cuối tuần trước, ông Yi Cang nhấn mạnh: “Nhìn chung, nhu cầu trong nước đang suy yếu, đặc biệt là về mặt tiêu dùng và đầu tư. Vì vậy, chúng ta cần áp dụng chính sách tài khoá chủ động và tiền tệ thích ứng’.
Theo bà Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC, ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn còn dư địa để cắt giảm lãi suất. Hồi tuần trước, bà lưu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính hiện vào khoảng 7%.
Các nhà phân tích dự báo PBoC sẽ cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tương lai. Một số người kỳ vọng PBoC sẽ hành động ngay từ tháng 9, theo Bloomberg.