|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép, gây rắc rối cho toàn thế giới

20:43 | 20/08/2024
Chia sẻ
Nguy cơ nhu cầu thép tại Trung Quốc đã đạt đỉnh và sẽ sụt giảm trong thời gian tới có tác động lớn tới các công ty thép trên toàn thế giới.

Thép chuẩn bị xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc vào năm 2020. (Ảnh: Getty Images). 

Hết thời đỉnh cao

Khi nói về thép, Trung Quốc là ông vua của thế giới. Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép mỗi năm, tương ứng hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Nhưng giờ ngành thép của Trung Quốc đang chao đảo. Sự thoái trào của ngành thép Trung Quốc có nguy cơ sẽ gây ra nhiều xáo động trên thế giới.

Khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc khiến nước này có quá nhiều thép và quá ít nhu cầu. Nỗi sợ của các nước khác là Trung Quốc sẽ xả lượng thép dư thừa ra thế giới, khiến giá lao dốc, các nhà máy đóng cửa và người lao động bị mất việc.

Kịch bản này sẽ gây ra thách thức lớn đối với các nền kinh tế, đặc biệt là Đức và châu Âu. Tại Mỹ, bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ Trung Quốc cũng có thể trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm trong cuộc bầu cử tổng thống bởi thép có vai trò quan trọng tại các bang chiến địa như Pennsylvania.

 

Tuần trước, Chủ tịch Hu Wangming của China Baowu Steel Group cảnh báo ngành thép Trung Quốc đang đối mặt với “mùa đông khắc nghiệt”. Lời nói của ông Hu có trọng lượng tại Trung Quốc và trên toàn thế giới, bởi đế chế của ông sản xuất 130 triệu tấn thép mỗi năm - nhiều hơn sản lượng của Mỹ, Đức và Pháp cộng lại.

Một tập đoàn lớn khác là Shanxi Jianbang Group cũng nhấn mạnh về cuộc khủng hoảng trong những ngày gần đây. Tổng Giám đốc Zhang Rui viết trên kênh WeChat của công ty rằng ngành thép cần cắt giảm hơn 30% doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện tại.

Ông Wu Wenzhang, chuyên gia có kinh nghiệm hơn 40 năm trong trong ngành thép, đánh giá: “Nhu cầu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh và sẽ sụt giảm liên tục trong thời gian tới. Ngành thép rất khó có thể thoát khỏi chu kỳ này trong hai đến ba năm tiếp theo, trừ khi chính phủ tích cực thúc đẩy các công ty sáp nhập và tái cấu trúc”.

Cơn bão chính trị và kinh tế

Giá thép giảm gây tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, gây áp lực cho biên lợi nhuận và khiến nhà máy phải đóng cửa.

Trong năm nay, chính phủ Chile đã gấp rút áp thuế quan mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để ngăn nhà sản xuất thép nội địa Cap đóng cửa. Nhưng sau khi liên tục bị nỗ lặng, Cap vẫn quyết định ngừng hoạt động.

Ông Hector Medina, một lãnh đạo công đoàn 72 tuổi, đứng ra đàm phán trợ cấp thôi việc cho 2.500 công nhân. Nhưng Chile có tới hơn 20.000 người lao động phụ thuộc vào hoạt động của Cap. Ông Medina bình luận: “Việc Cap đóng cửa là điều đáng hổ thẹn và là hậu quả từ sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Tất cả chúng tôi sẽ mất nguồn thu nhập”.

Tại châu Âu, nhu cầu về thép đã ảm đạm sẵn. Công ty Salzgitter của Đức cho biết công suất dư thừa và hàng xuất khẩu của Trung Quốc là một trong những lý do khiến họ báo lỗ trong nửa đầu năm.

Bộ Kinh tế Đức chia sẻ với Bloomberg rằng họ đang theo dõi tình hình và lưu ý đến “sự cạnh tranh quốc tế gay gắt”. ArcelorMittal SA, nhà sản xuất thép hàng đầu châu Âu, cũng đưa ra bình luận tương tự.

Ông Martin Theuringer, Giám đốc Hiệp hội Thép Đức, nhận xét: “Các cảnh báo từ Trung Quốc cho thấy nỗi lo của chúng tôi đang trở thành hiện thực… Tình trạng dư thừa công suất đang gây nguy hiểm cho lợi nhuận và tính bền vững của ngành thép Đức”.

Cuộc khủng hoảng thép cuối cùng vào năm 2015 và 2016 đã kích hoạt cơn bão chính trị ở Mỹ và châu Âu. Ông Donald Trump dành phần lớn thời gian trên đường tranh cử tổng thống năm 2016 để hứa hẹn sẽ bảo vệ Mỹ khỏi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, còn các nhà lập pháp châu Âu vật lộn để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa.  

Ngoài kinh tế, thép còn có ý nghĩa về an ninh quốc gia do nhu cầu của ngành quốc phòng đối với mặt hàng này.

 

Quy mô lớn của Trung Quốc khiến ngay cả sự thay đổi nhỏ trong nhu cầu nội địa cũng có thể gây ra rung chấn lớn ở nước ngoài. Lượng thép Trung Quốc xuất khẩu bằng sản lượng của toàn Bắc Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và có thể đạt 100 triệu tấn trong năm nay.

Giá thép nội địa giảm đồng nghĩa với việc bán bớt hàng ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Thép cuộn cán nóng được xuất khẩu từ Trung Quốc đang có giá thấp nhất kể từ năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng thế giới cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Khi phát biểu trước công đoàn United Steelworkers hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng thuế quan đối với nhôm và thép Trung Quốc.

Bà Lael Brainard, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden, phát biểu: “Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc gây ra rủi ro nghiêm trọng cho tương lai của ngành thép và nhôm Mỹ”.

Mỹ cũng đang có động thái để hạn chế thép xuất khẩu từ Trung Quốc qua các nước thứ ba như Mexico.

Washington và các đồng minh không có giải pháp đơn giản đối với vấn đề thép của Trung Quốc. Một số người ủng hộ việc thành lập các công ty có quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh, ví dụ như để công ty Nhật Bản Nippon Steel mua lại United States Steel. Tuy nhiên thương vụ này vấp phải sự phản đối của các chính trị gia, bao gồm ông Biden lẫn ông Trump.

Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà chức trách có thể muốn tái cấu trúc ngành thép, nhưng làm vậy sẽ kìm hãm tăng trưởng và đe dọa việc làm trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức. Thép là mặt hàng có tầm quan trọng lớn, hàng triệu việc làm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kim loại này và than để dùng để đốt lò cao. 

 

Giang