Vì sao Trung Quốc vội vã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân còn các nước khác thì không?
Công thức của Trung Quốc
Trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, các công nhân đang nỗ lực hoàn thiện Linglong One - lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ đầu tiên trên thế giới được xây dựng cho mục đích thương mại.
Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều nhà máy khác với mục đích giảm sự phụ thuộc của nước này vào than và nhiên liệu nhập khẩu.
Ông Cui Jianchun, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, tuyên bố: “Thế giới có lẽ chỉ có 7 quốc gia có năng lực thiết kế, sản xuất và vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân. Trung Quốc từng là kẻ theo sau, nhưng giờ chúng tôi là người dẫn đầu”.
Quy mô và tốc độ phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc rất đáng chú ý. Trung Quốc phê duyệt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 1981. BloombergNEF dự kiến số nhà máy hạt nhân của nước này sẽ vượt qua Pháp và Mỹ vào năm 2030.
Trong kỷ nguyên mà rất ít quốc gia xây lò phản ứng hạt nhân mới, Trung Quốc có 30 công trình đang trong giai đoạn xây dựng. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu và thí nghiệm năng lượng.
Đối với những công nghệ được kỳ vọng nhiều như năng lượng hợp hạch, số tiền Bắc Kinh bỏ ra cho nghiên cứu và phát triển lớn vượt xa Mỹ.
Bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong năng lượng hạt nhân không đến từ bí mật lớn lao nào. Công thức của Bắc Kinh đơn giản là quy mô lớn, hỗ trợ của chính phủ và mô hình xây dựng tương đối đơn giản, dễ dàng lặp lại.
Điều quan trọng là thành công của Trung Quốc có thể được lặp lại ở nước ngoài, bởi nhu cầu dành cho năng lượng hạt nhân ngày càng tăng do an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu.
Điều này đặc biệt đúng với các nước đang phát triển. Cùng với Nga và Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia cung cấp công nghệ về năng lượng hạt nhân trong bối cảnh Mỹ và Pháp suy yếu trên phương diện này.
Khi thảm họa Fukushima diễn ra năm 2011, nhiều nước trên thế giới ngừng mở rộng năng lực hạt nhân, Trung Quốc cũng hoãn cấp phép các dự án mới.
Nhưng Bắc Kinh đã chấm dứt sự gián đoạn đó vào năm 2019. Trong hai năm qua, mỗi năm Trung Quốc phê duyệt 10 lò phản ứng, tờ Bloomberg cho biết. Bắc Kinh đặt mục tiêu đưa năng lượng hạt nhân chiếm tổng 15% nguồn cung năng lượng của nước này vào năm 2050.
Mỹ vẫn có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất thế giới, nhưng trong 20 năm qua chỉ xây dựng ba lò.
Ông Lin Boqiang, lãnh đạo cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, chỉ ra: “Việc các nước khác ngừng xây dựng nhà máy mới tạo ra lỗ hổng trong kinh nghiệm - hoặc khiến doanh nghiệp trong ngành phá sản”.
Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cung cấp khoản vay giá rẻ cho ngành năng lượng hạt nhân. Ước tính với mức lãi suất thấp nhất dành cho các dự án cơ sở hạ tầng là 2%, chi phí của điện hạt nhân vào khoảng 47 USD/MWh, rẻ hơn nhiều so với than và khí tự nhiên ở nhiều nơi.
Trung Quốc cũng ưu tiên xây dựng một số lò phản ứng có cùng thiết kế, tạo ra tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng sẵn sàng và đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản. Điều đó giúp họ tránh được tình trạng đội vốn và chậm trễ.
Bắc Kinh cũng không chỉ bắt chước công nghệ của những nước khác như trước. Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu vận hành thương mại Shidaowan One - lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao đầu tiên trên thế giới - được gọi là công nghệ thế hệ thứ tư.
Theo ông Stephen Ezell, Phó Giám đốc tại Quỹ Đổi mới & Công nghệ Thông tin tại Washington, Trung Quốc có lẽ đang đi trước Mỹ từ 10 đến 15 năm về khả năng triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư trên quy mô lớn.
Thất bại
Bắc Kinh đã vận dụng các thỏa thuận năng lượng để củng cố mối quan hệ quốc tế.
Vào năm 2019, cựu Chủ tịch của tập đoàn China National Nuclear (CGN) ước tính Trung Quốc có thể xây dựng 30 lò phản ứng ở nước ngoài thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, qua đó giúp doanh nghiệp nước này kiếm 145 tỷ USD cho đến năm 2030.
Thực tế khác xa với tham vọng đó, dù Trung Quốc cũng đạt được một số thành công ở Pakistan.
Thất bại nổi tiếng nhất diễn ra tại Anh. CGN dành nhiều năm cố gắng để thiết kế của Hualong One được phê duyệt và còn đầu tư vào các lò phản ứng do Pháp thiết kế. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác đã đổ vỡ khi căng thẳng địa chính trị xấu đi.
Phương Tây ngần ngại nhập khẩu công nghệ năng lượng hạt nhân của Trung Quốc vì các lý do an toàn và chính trị. Tuy nhiên, họ vẫn có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của chính mình bằng cách học hỏi mô hình phát triển của Trung Quốc.
Đặc phái viên Cui quả quyết rằng mô hình phát triển của Trung Quốc có hiệu quả và có thể mở đường cho sự hồi sinh của ngành hạt nhân. Ông khẳng định: “Mùa xuân mới đã đến. Giờ mọi người đã nhận ra thế giới không thể thiếu năng lượng hạt nhân”.