|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc cách mạng năng lượng sạch ẩn mình trong các sa mạc xa xôi của Trung Quốc

16:00 | 02/12/2023
Chia sẻ
Chiến lược phát triển điện mặt trời và điện gió trong sa mạc có thể giúp Trung Quốc hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trước cả các nước phương Tây.

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt ở sa mạc Kubuqi (khu vực Nội Mông). (Ảnh: Bloomberg). 

Chiến dịch khổng lồ

Nằm giữa những đụn cát vàng ở sa mạc Kubuqi (Nội Mông) là hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời được xếp ngay ngắn thành từng hàng. Địa điểm này chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch phát triển năng lượng sạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ này sẽ xây dựng thêm các cơ sở năng lượng tái tạo trên khắp đất nước, với quy mô gấp 225 dự án ở Kubuqi. 

Chiến dịch này hứa hẹn sẽ gây chấn động lớn trong ngành năng lượng thế giới. Khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với nhiên liệu hoá thạch có thể giảm đáng kể và nền kinh tế tỷ dân cũng có thể bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. 

Sau khi hoàn thành, các cơ sở năng lượng gió và mặt trời sẽ có tổng công suất khoảng 455 gigawatt (GW). Không tính Trung Quốc, không quốc gia nào có công suất sản xuất năng lượng tái tạo cao như vậy. Một GW tương đương với công suất của một lò phản ứng hạt nhân thông thường.

Ông Cosimo Ries, nhà phân tích năng lượng tại Trivium China, bình luận: “Kế hoạch của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc. Lịch sử không có bất kỳ trường hợp nào có thể so sánh được với nỗ lực này”. 

 

Theo báo cáo của BloombergNEF, Trung Quốc sẽ nâng công suất năng lượng tái tạo lên khoảng 3,9 terawatt vào năm 2030, gấp hơn ba lần so với năm 2022.

Tính riêng trong năm 2023, BloombergNEF ước tính Trung Quốc sẽ lắp đặt hơn 300 GW công suất năng lượng mặt trời và gió, gần gấp đôi con số một năm trước đó. Tổng công suất năng lượng gió và mặt trời thế giới lắp đặt trong năm 2022 là 338 GW. 

Các dự án ban đầu tập trung tại các sa mạc của Trung Quốc, bao gồm sa mạc Gobi ở phía bắc và Takla Makan tại miền tây. Các khu vực này có các lợi thế lớn trong việc sản xuất năng lượng tái tạo: bầu trời và đất đai rộng lớn, ánh nắng mặt trời và gió ổn định. Dân cư tại nơi đây cũng thưa thớt, giúp cho việc xây dựng các dự án quy mô lớn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đất đai tại sa mạc cũng rẻ vì chúng hầu như không được sử dụng để phát triển nông nghiệp hay bất động sản. Ngoài ra, quy mô lớn của dự án năng lượng cũng có thể giúp hạ chi phí. Những yếu tố trên đồng nghĩa với việc các cơ sở năng lượng tái tạo ở sa mạc nhiều khả năng sẽ là một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất trên thế giới, theo nhà phân tích Ries.

Tỷ phú Liu Hanyuan, nhà sáng lập tập đoàn Tongwei Group, tuyên bố: “Trung Quốc thậm chí có thể hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trước cả các nước phương Tây”. Tongwei hiện sở hữu một trong những công ty năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Cánh tua-bin gió tại Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Một trong những đối tượng hưởng lợi từ chiến dịch sản xuất năng lượng sạch của Trung Quốc là các công ty tiện ích lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Cho tới nay, China Energy Investment, China Three Gorges, China Datang, China Huaneng Group và State Power Investment đều đã từng tham gia vào các dự án. Các cơ sở năng lượng trên sa mạc cũng sẽ giúp củng cố nhu cầu trong nước đối với các nhà cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo Trung Quốc.

Thách thức chính

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ cần giải quyết bài toán chuyển năng lượng sạch từ cơ sở sản xuất đến khu dân cư. Khó khăn trong việc kết nối các trung tâm sản xuất điện ở xa khu vực đô thị đã cản trở sự phát triển của các dự án năng lượng sạch quy mô lớn ở Mỹ hoặc Australia.

Giải pháp của Trung Quốc là lắp đặt một mạng lưới đường dây điện toàn quốc mới. Chi phí cho kế hoạch này có thể lên đến 300 tỷ USD và cần hàng chục năm.

Thách thức chính đối với chiến lược phát triển năng lượng sạch trên sa mạc của Trung Quốc là liệu cơ sở hạ tầng của nước này có thể theo kịp hay không. Hàng tỷ USD thiết bị năng lượng sạch đã bị đắp chiếu từ giữa thập niên 2010 vì lưới điện quốc gia không xử lý nổi mức tăng của sản lượng điện.

Một số chính quyền địa phương đã hạn chế công suất năng lượng mặt trời trong năm nay và giảm giá điện vào ban ngày - khoảng thời gian quang điện được sản xuất mạnh nhất. Lĩnh vực pin lưu trữ năng lượng đang phải vật lộn với tỷ lệ sử dụng thấp và các vấn đề về an toàn.

Một vấn đề khác của đất nước tỷ dân là vai trò quan trọng của than. Trung Quốc vẫn đang đưa các nhà máy điện than mới vào hoạt động. Năm ngoái, nước này đã phê duyệt công suất điện than bổ sung lớn nhất kể từ năm 2015, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Không khí sạch và Giám sát Năng lượng Toàn cầu.

Bắc Kinh cho biết mục tiêu của họ là tìm ra một giải pháp hỗ trợ tiềm năng cho lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo. Đồng thời, họ cũng muốn đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách giữ nguyên lựa chọn sử dụng điện than. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi đây là nguyên tắc “xây dựng cái mới trước khi loại bỏ cái cũ”.

Báo cáo tháng trước của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết 60% sản lượng điện của Trung Quốc phụ thuộc vào than. Dù Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và gió hiện chỉ cung cấp khoảng 10% điện năng của Trung Quốc.

Giang