|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới bị đắp chiếu dù nhu cầu năng lượng tăng vọt

14:49 | 31/05/2024
Chia sẻ
Nhật Bản rất cần năng lượng để tiếp sức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng nhập khẩu thường tốn kém và ẩn chứa rủi ro, còn việc khởi động các lò phản ứng hạt nhân lại là chủ đề nhạy cảm ở nước này.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa, tháng 4/2021. (Ảnh: Kyodo News).  

Khát năng lượng

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới ở bờ biển phía tây lộng gió của Nhật Bản giống như một gã khổng lồ đang say ngủ.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa (KK), khu phức hợp rộng 4,2 triệu m2 nằm cạnh biển, từng là mắt xích chủ chốt trong chiến lược của Nhật Bản nhằm nâng tỷ trọng của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên 50%.

Bên trong nhà máy có treo giấy chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới, công nhận sản lượng tiềm năng của KK (8,2 gigawatt) là cao nhất trên toàn cầu. KK có thể cung cấp năng lượng cho hơn 13 triệu hộ gia đình, theo tờ Bloomberg.

Hiện tại, sản lượng điện của KK là số 0 tròn trĩnh. Cả 7 lò phản ứng tại KK đã bị đóng cửa sau khi trận sóng thần và sự cố tại nhà máy Fukushima Dai-Ichi năm 2011 buộc chính phủ phải cân nhắc lại về năng lượng hạt nhân.

Việc đắp chiếu KK khiến cho một quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản phải tiêu tốn rất nhiều tiền. Năm ngoái, nước này chi khoảng 172 tỷ USD để nhập khẩu than, khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn năng lượng khác - nhiều hơn tiền thu được từ việc xuất khẩu ô tô. Các hộ gia đình và hộ doanh nghiệp được yêu cầu tiết kiệm điện khi nhu cầu lên cao.

 

Hiện tại, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng cách mời gọi các hãng chip như TSMC cũng như những trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo cần nhiều năng lượng.

Trong bối cảnh đó, người ta bắt đầu tranh luận rằng liệu KK và chủ sở hữu Tokyo Electric Power có đáng được trao cơ hội thứ hai hay không. Tokyo Electric Power chính là công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Nhiều quốc gia khác cũng đang cân nhắc lại về năng lượt hạt nhân. Báo cáo tháng 4 của BloombergNEF chỉ ra rằng ít nhất 15 quốc gia đang xây dựng các lò phản ứng mới, dẫn đầu là Trung Quốc.

Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, trả lời trong một cuộc phỏng vấn tháng 3: “Nhật Bản cần tái khởi động nhà máy Kashiwazaki Kariwa. Có mấy nước trên thế giới có công suất nhàn rỗi lớn như vậy? Nhiều nước ước ao có một nhà máy lớn như KK mà không được”.

Không ai có thể phủ nhận rằng Nhật Bản cần tìm ra con đường mới để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế quy mô 4.100 tỷ USD. Xung đột Nga - Ukraine và cuộc chiến ở Trung Đông đã nêu bật lên rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài.

Trong trường hợp của Nhật Bản, 70% nguồn điện của nước này là nhập khẩu. Trong khi đó đó, Nhật Bản có tổng cộng 21 lò phản ứng hạt nhân đang không hoạt động.

Tầng vận hành bên trong lò phản ứng số 7 tại nhà máy Kashiwazaki Kariwa, tháng 11/2023. (Ảnh: Bloomberg). 

Kể từ năm 2021, Nhật Bản đã tái khởi động 12 lò phản ứng hạt nhân. Nhưng các quyết định liên quan tới KK dưới sự quản lý của Tokyo Electric Power đặc biệt nhạy cảm.

Trong thảm họa Fukushima 4 năm trước, Tokyo Electric Power đã không thể làm mát các lò phản ứng của nhà máy do ảnh hưởng của động đất và sóng thần, khiến phóng xạ bị rò rỉ.

Hơn 150.000 người phải di dời và đến nay chính phủ vẫn chưa thể tiếp cận một số khu vực. Đây được coi là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl năm 1986. Tổng chi phí xử lý ước tính lên tới hơn 146 tỷ USD.

Trang web của Tokyo Electric Power liệt kê 8 biện pháp mà họ đang thực hiện để biến KK thành “nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất thế giới”. Các biện pháp bao gồm xây dựng các bức tường chắn sóng và rào chắn lũ cao 15 m, xây hồ chứa 20.000 tấn nước để làm mát các lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.

Rào cản

Năm 2017, hai lò phản ứng của KK đã được cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản cho phép nối lại hoạt động. Nhưng thực chất chúng vẫn chưa hoạt động trở lại bởi nhà máy vẫn cần sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Hội đồng tỉnh Niigata, nơi đặt nhà máy KK, dự kiến ​​​​sẽ họp vào tháng tới và nhiều khả năng sẽ thảo luận xem tỉnh này có nên ủng hộ KK khởi động lại hay không.

Dù các biện pháp an toàn mới đang được triển khai, các cư dân ở Niigata sẽ không được hưởng lợi nhiều từ việc tái khởi động KK.

Nguồn điện của tỉnh này được cung cấp bởi một doanh nghiệp khác là Tohoku Electric Power. Nếu KK hoạt động trở lại, năng lượng mà nhà máy tạo ra sẽ có ích cho thành phố Tokyo cách đó 200 km. Nhưng người chịu rủi ro lại là cư dân Niigata.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi sau trận động đất lớn và sóng thần tháng 3/2011. (Ảnh: Getty Images). 

Thị trưởng Masahiro Sakurai của thành phố Kashiwazaki, một nhân vật quan trọng trong cuộc thảo luận, đề xuất chỉ khởi động lại 2 trong 7 lòng phản ứng của KK. Ông nhấn mạnh rủi ro của việc có quá nhiều lò phản ứng tại một địa điểm.

Số phận của KK phản ánh thách thức mà nhiều quốc gia phải đối mặt, đó là tìm cách cân bằng giữa các mối lo ngại về sức khỏe, an toàn với nhu cầu năng lượng quốc gia. Một sự cố khủng khiếp như Fukushima có thể giáng đòn mạnh vào nỗ lực đưa thêm nhà máy hạt nhân vào hoạt động.

Thị trưởng Sakurai thừa nhận việc cho phép ít nhất một số lò phản ứng của KK hoạt động trở lại cũng sẽ đem đến một số lợi ích.

Ông nhận định: “Dĩ nhiên nhà máy điện hạt nhân đi kèm với nỗi lo về phóng xạ từ các sự cố tiềm tàng. Nhưng chúng ta cũng đối mặt với các mối đe dọa thực sự từ biến đổi khí hậu, như các trường hợp tử vong do say nắng, lũ lụt và cháy rừng. Năng lượng hạt nhân vẫn cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu”.

Giang