|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi 5 tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân, chưa chạy ngày nào đã biến thành công viên giải trí

06:02 | 21/04/2021
Chia sẻ
Một nhà đầu tư có ý tưởng độc đáo đã biến nhà máy điện hạt nhân bị bỏ không của Đức thành chốn vui chơi. Nhờ vậy mà số tiền khổng lồ chính phủ Đức bỏ ra đã không hoàn toàn bị lãng phí.

Nếu thích những thứ mới lạ, bạn có thể ghé thăm một công viên giải trí ở Đức được xây dựng bên trong một lò phản ứng năng lượng hạt nhân.

Nhà máy này chưa bao giờ hoạt động nên không cần lo lắng về nguy cơ nhiễm phóng xạ.Công viên giải trí hiện nay có hơn 40 trò chơi độc đáo thu hút rất nhiều du khách, tờ The Sun cho biết. 

Nhà máy điện hạt nhân tiêu tốn của Đức 5 tỷ USD để rồi thành công viên giải trí - Ảnh 1.

Công viên ở Đức được xây dựng bên trong nhà máy hạt nhân. (Ảnh: Alamy).

Đức bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân nhanh có tên là SNR-300 tại thành phố Kalkar vào năm 1972. Lò phản ứng được thiết kế để sử dụng plutonium làm nhiên liệu và được làm mát bằng natri, tạo ra năng lượng 327 megawatt. Vào thời điểm này, công nghệ SNR-300 còn khá mới nhưng chính phủ Đức rất quyết tâm trong việc giảm thiểu năng lượng nhập khẩu. 

Chính quyền địa phương lo ngại về sự an toàn của năng lượng hạt nhân và các cuộc biểu tình khiến dự án trên liên tục bị trì hoãn. Năm 1979 xảy ra sự cố Three Mile Island - tai họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ và các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm. 

Bất chấp phản đối dữ dội của người dân, việc xây dựng SNR-300 vẫn được tiến hành. Đến năm 1985, nhà máy được hoàn thành và sẵn sàng đi vào hoạt động, trang Amusing Planet cho biết. 

Nhưng rồi đến năm 1986, thảm họa Chernobyl xảy ra, thổi bùng sự giận dữ của công chúng. Đến lúc này, chính phủ Đức không thể làm ngơ ý kiến người dân được nữa và buộc phải hủy kế hoạch. Vậy là nhà máy SNR-300 bị đắp chiếu sau khi tiêu tốn của Đức khoảng 5 tỷ USD. 

Kích thước của nhà máy SNR-300 tương đương với 80 sân bóng đá, được xây dựng bằng lượng xi măng đủ để làm 200 km đường cao tốc, số dây thép của nhà máy bằng hai lần chu vi trái đất. Do không được sử dụng, công trình khổng lồ này trở thành đồ bỏ đi.

Tới năm 1991, nhà đầu tư Hà Lan có tên là Hennie van der Most đã mua lại nhà máy với ý tưởng biến nó thành địa điểm vui chơi. Nhưng thay vì tháo dỡ, ông giữ cho lò phản ứng được nguyên vẹn và xây dựng công viên giải trí ngay tại đây. 

Vòng đu quay nổi tiếng nhất tại công viên là Vertical Swing, có độ cao 58m, được xây trong tháp làm mát của trạm điện.

Nhà máy điện hạt nhân tiêu tốn của Đức 5 tỷ USD để rồi thành công viên giải trí - Ảnh 2.

Một vòng đu quay được lắp trong tháp làm mát. (Ảnh: Alamy) .

Nhà máy điện hạt nhân tiêu tốn của Đức 5 tỷ USD để rồi thành công viên giải trí - Ảnh 3.

Công viên có hơn 40 trò chơi. (Ảnh: wunderlandkalkar.eu).

Nhà máy điện hạt nhân tiêu tốn của Đức 5 tỷ USD để rồi thành công viên giải trí - Ảnh 4.

Nhà máy điện hạt nhân không bao giờ đi vào hoạt động, thay vào đó đã được mua lại và chuyển đổi thành công viên giải trí. (Ảnh: wunderlandkalkar.eu).

Nhà máy điện hạt nhân tiêu tốn của Đức 5 tỷ USD để rồi thành công viên giải trí - Ảnh 5.

Công viên cũng có 6 khách sạn trong khuôn viên để tiện làm nơi ăn nghỉ cho du khách. (Ảnh: Alamy).

Các trò chơi khác bao gồm ô tô đụng, tàu lượn siêu tốc, bức tường leo núi và các vòng đu quay cỡ nhỏ, phù hợp với trẻ con.

Công viên Wunderland Kalkar thu hút 300.000 lượt khách mỗi năm và có 6 khách sạn trong khuôn viên.

Giang