|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu

20:11 | 08/04/2021
Chia sẻ
Nhà máy Zwentendorf là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và cuối cùng Áo xây dựng. Điều đáng nói là lò phản ứng này chưa phát điện ngày nào đã bị người dân Áo đắp chiếu vĩnh viễn.
Dự án điện hạt nhân bất thành của Austria: Tốn gần tỷ USD xây nhà máy rồi bỏ hoang - Ảnh 1.

Bên ngoài nhà máy Zwentendorf. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Zwentendorf là lò phản ứng điện hạt nhân duy nhất trong lịch sử thế giới được hoàn thiện xong xuôi nhưng không được sử dụng. Chỉ cần bấm một nút là nó sẽ hoạt động – nhưng điều này không bao giờ xảy ra.

Tháng 4/1972, một lễ khởi công hoành tráng được tổ chức để khởi đầu cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Áo: nhà máy Zwentendorf bên bờ sông Danube. Hai tuần sau sự kiện này, một trận động đất mạnh làm hư hại phần móng, kết quả là nó phải bị phá bỏ và làm lại.

Việc xây dựng nhà máy mất hơn 4 năm. Tiến độ dự án bị chậm trễ một phần do nhu cầu điện tăng chậm hơn so với dự kiến và một phần bởi các cuộc biểu tình phản đối lớn ở địa phương.

Đầu năm 1975, nhóm "Những người phản đối chương trình hạt nhân của Áo" được thành lập và đỉnh điểm có tới hơn 500.000 thành viên. Năm 1976, chính phủ Áo phát động chiến dịch thông tin về năng lượng hạt nhân nhằm xoa dịu ý kiến chống đối. Nhưng kết quả thu về lại trái ngược với mong đợi.

Một số báo bắt đầu đăng bài chỉ trích điện hạt nhân. Theo Tiến sỹ Peter Weish của Đại học Vienna, phong trào chống đối nhanh chóng được kích thích mạnh mẽ. Hàng loạt hội nhóm đa dạng được hình thành và tham gia phong trào, bao gồm "Những người mẹ chống năng lượng hạt nhân", giáo viên, học sinh, bác sĩ, nhà vật lý, nghệ sĩ.... chống hạt nhân, theo bài viết trên trang web Đại học Vienna. 

Năm 1977, 9 người mẹ ở bang Vorarlberg muốn ngăn cản hoạt động thử nghiệm của nhà máy Zwentendorf đã đến trước tòa nhà chính phủ và bắt đầu tuyệt thực. Sự kiện này khơi dậy rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Đất nước xẻ đôi

Tranh cãi về năng lượng hạt nhân chia rẽ nước Áo. Một bên là phong trào phản đối hạt nhân sôi sục, một bên là các chính trị gia đầy quyền lực. Vào thời gian này, Đảng Xã hội Áo do Thủ tướng Bruno Kreisky lãnh đạo đang nắm quyền. Đảng Xã hội Áo được hỗ trợ bởi các công đoàn, ngành công nghiệp và Phòng Thương mại.

Tin chắc đa số người dân ủng hộ dự án điện hạt nhân, Thủ tướng Kreisky đã cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định số phận của nhà máy. Cũng giống như chiến dịch thông tin hai năm trước, ý tưởng này phản tác dụng hoàn toàn.

Vào ngày 5/11/1978, cuộc trưng cầu dân ý quốc gia đầu tiên ở Áo kể từ năm 1945 đã trở thành một sự kiện đi vào lịch sử. Kết quả: Trong số gần 3,1 triệu phiếu được bỏ thì 50,47% phản đối năng lượng hạt nhân. Cách biệt suýt soát khoảng 20.000 phiếu giữa phe ủng hộ và phản đối đã chấm dứt sứ mệnh của nhà máy Zwentendorf.  

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu - Ảnh 2.

Tham quan nhà máy Zwentendorf. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu - Ảnh 3.

Quang cảnh bên trong. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu - Ảnh 4.

Bị bỏ hoang. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Tháng 12/1978, Quốc hội Áo thông qua luật cấm sử dụng năng lượng hạt nhân trong nước, chấm dứt mọi hy vọng tái khởi động nhà máy Zwentendorf. Quyết định được đưa ra từ trước khi có thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Liên bang Xô viết vào tháng 4/1986. Đến tận bây giờ Áo cũng không có lò phản ứng hạt nhân nào.

Do kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, 650 triệu euro (772 triệu USD) đã được đổ vào xây nhà máy trở thành khoản tiền bị tiêu tốn vô ích. Số tiền này tương ứng với 4,3 tỷ euro hay 5,1 tỷ USD trong năm 2021, tính theo tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm 4,27%. 

Theo thông tin từ nuclear-power-plant.net, vào năm 2005, nhà cung cấp năng lượng xanh hàng đầu của Áo là EVN (không phải Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã mua lại nhà máy và biến nó thành cơ sở đào tạo cho các kỹ sư Đức học cách vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Tại Zwentendorf, các kỹ sư được đào tạo trong môi trường thực tế và ở những khu vực thường không thể tiếp cận được trong một nhà máy đang vận hành do sự nguy hiểm của phóng xạ.

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu - Ảnh 5.

Kỹ sư lắp các tấm quang điện mặt trời xung quanh nhà máy Zwentendorf. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Tốn hàng tỷ USD xây nhà máy điện hạt nhân rồi đắp chiếu - Ảnh 6.

Các tấm quang điện được lắp trên nhà máy. (Ảnh: nuclear-power-plant.net).

Tháng 6/2009, một nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động tại địa điểm của lò phản ứng hạt nhân lịch sử này. Tổng cộng 1.000 tấm quang điện được lắp đặt và cung cấp năng lượng sạch cho người dân Áo, trang web của EVN cho biết. Sự chuyển đổi của Zwentendorf từ nhà máy điện hạt nhân sang điện mặt trời là minh chứng cho xu thế tương lai của năng lượng thân thiện với môi trường.  

Giang