Dow Jones futures bật tăng 400 điểm khi Fed đồng ý bơm thanh khoản sau vụ SVB
Tính đến 11h20 trưa 13/3 theo giờ Việt Nam (tức 23h20 đêm 12/3 theo giờ Mỹ), hợp đồng tương lai (futures) chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 401 điểm, tương đương 1,25%, hàm ý chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ tăng 377 điểm khi thị trường mở cửa. S&P 500 và Nasdaq 100 futures tăng lần lượt 1,74% và 1,78%.
Tâm lý nhà đầu tư cải thiện sau khi Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ra thông cáo chung cho biết tất cả người gửi tiền tại Silicon Valley Bank sẽ có thể tiếp cận toàn bộ tiền của mình bắt đầu từ ngày thứ Hai đầu tuần, 13/3.
Trước đó, FDIC cho biết theo quy định thông thường, hạn mức bảo hiểm chỉ là 250.000 USD/người/loại sở hữu tài khoản tại một ngân hàng. Tổng số tiền gửi tại SVB tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 175 tỷ USD, khoảng 89% trong số này nằm ngoài hạn mức bảo hiểm do các khách hàng của SVB đa phần là những doanh nghiệp công nghệ với số dư tài khoản lớn.
Tuần trước, nhiều nhà đầu tư cũng như khách hàng cá nhân và tổ chức đã đổ xô đến rút tiền khỏi SVB, chỉ riêng ngày 9/3 đã là 42 tỷ USD. Đến ngày 10/3, FDIC tiếp quản SVB và thông báo sẽ chi trả cho những người gửi tiền được bảo hiểm.
“Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện những hành động quyết liệt nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, thông cáo chung chiều 12/3 của Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg viết.
CNBC dẫn lời ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group, nhận định hôm 12/3: “Cuối tuần này là một sự kiện mang tính nhị phân. Hoặc là 100% số tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được chi trả, hoặc là không. Giờ chúng ta đã biết là tất cả tiền gửi đều được bảo đảm, thị trường đang ăn mừng. Nhưng thông tin này vẫn chưa trả lời được câu hỏi việc các ngân hàng sắp phải đồng loạt nâng lãi suất tiền gửi sẽ gây ra tác động kinh tế như thế nào?”
“Trong thời gian tới, tôi lo ngại về khả năng tạo lợi nhuận hơn là sức khỏe bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”, ông Boockvar nói thêm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 12/3 cũng thông báo việc thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) với mục tiêu bảo vệ các định chế tài chính khỏi những bất ổn thị trường mà vụ sụp đổ của SVB gây ra.
Chương trình BTFP mới này sẽ cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, liên minh tín dụng và các định chế khác được vay với kỳ hạn cao nhất một năm, giúp đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Những tổ chức vay từ chương trình BTFP của Fed sẽ phải có các tài sản an toàn như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu do cơ quan liên bang phát hành và chứng khoán đảm bảo để làm tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, Fed cũng sẽ nới lỏng điều kiện vận hành cửa sổ chiết khấu tương tự như điều kiện áp dụng BTFP. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chi tối đa 25 tỷ USD để bù lỗ cho chương trình BTFP nếu cần thiết.