Đồng sáng lập startup Ohana chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn trên Shark Tank
Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 2, Thanh Thảo mời các "cá mập" đầu tư 3,5 tỉ đồng đổi lấy 10% cổ phần công ty. Sau phần trình bày, Ohaha đã nhận hai lời đề nghị, một của ông Nguyễn Xuân Phú và một của hai ông Nguyễn Mạnh Dũng và Đặng Hồng Anh.
Sau khi thương lượng, Thanh Thảo và các nhà đồng sáng lập khác đã quyết định nhận lời đề nghị đầu tư của Shark Dũng và Shark Hồng Anh. Hai nhà đầu tư sẽ rót 1 tỉ đồng đổi lấy 10% cổ phần công ty, và giải ngân 2,5 tỉ đồng còn lại sẽ dưới hình thức vay chuyển đổi với lãi suất 10%, đồng thời hưởng mức chiết khấu 25% cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Ohana nhận cam kết đầu tư 3,5 tỉ đông của hai ông Nguyễn Mạnh Dũng và Đặng Hồng Anh. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Mới đây, trong một video trên YouTube và fanpage của Shark Tank Việt Nam, Thảo đã chia sẻ lời khuyên cho các startup trương khi lên sóng Shark Tank gọi vốn.
"Điều đầu tiên công ty phải có traction (khả năng phát triển). Traction không có nghĩa là sản phẩm của bạn phải có doanh thu, mà là để chứng mình mô hình kinh doanh và sản phẩm của bạn là hữu dụng", Thảo chia sẻ.
Người đồng sáng lập của ứng dụng Ohana đưa ra ví dụ về khả năng phát triển như có 200 người dùng, hoặc 400 doanh nghiệp đăng kí liên kết hợp tác.
"Tất cả những bước phát triển nào mà bạn nghĩ là có thể gây ấn tượng cho người đối diện, khiến họ cho rằng mô hình kinh doanh của bạn không chỉ là ý tưởng mà đang được thực hiện hóa thì đó chính là traction mà bạn cần có", Thanh Thảo nhấn mạnh.
Điều tiếp theo cần chú ý mà Thảo liệt kê chính là việc startup cần có đầy đủ giấy tờ pháp lí. Với một số những nhà sáng lập sản phẩm mang nặng tính công nghệ còn có thể sẽ phải cần thêm cả bằng sáng chế.
Ngoài ra, toàn bộ hồ sơ và tài liệu về công ty bắt đầu từ thời kì sơ khai cũng cần phải có đày đủ.
"Toàn bộ hồ sơ cần phải sắp xếp trên một thư mục trên Google Drive. Khi người lọc hồ sơ yêu cầu bổ sung, bạn có thể lấy ra một cách dễ dàng", CEO của Ohana cho biết.
Với đặc thù công việc rất bận rộn, những người trong ban tổ chức rất cần có được những hồ sơ cần thiết trong thời gian ngắn nhất.
Ohana của Thanh Thảo đã bắt đầu triển khai sang thị trường Singapore. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Chính vì ban tổ chức cần phải làm việc với hàng ngàn ứng viên khác nhau, nhà sáng lập cần giải thích ngắn gọn và dễ hiểu nhất về startup của mình. Từ cách gửi những slide thuyết trình tới cách nhà sáng lập đứng lên trình bày theo form (mẫu) của chương trình, đều phải súc tính và cô đọng nhất.
Thanh Thảo đưa ra gợi ý, thay vì những tệp chạy bằng phần mềm photoshop tương đối kém phổ biến, người thuyết trình nên lựa chọn những tệp có thể chạy bằng những phần mềm phổ thông hơn. Đồng thời, tệp không nên quá nặng để các ban giám khảo có thể sử dụng điện thoại cũng có thể nắm bắt nội dung.
Hiện tại, sau hơn 1 năm gọi vốn thành công từ Shark Tank Việt Nam, Ohana đã bắt đầu triển khai sang thị trường Singapore và tập trung vào phân khúc nhà trọ giá rẻ cho những người ngoại quốc.