|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Phú đã cam kết chi bao nhiêu tiền sau 2 mùa Shark Tank?

20:04 | 23/02/2019
Chia sẻ
Với việc cam kết đầu tư vào 13 thương vụ (8 thương vụ cá nhân, 5 thương vụ nhóm), Shark Nguyễn Xuân Phú chính là “cá mập” chịu cam kết nhất trong 2 mùa của chương trình Shark Tank.

Được xem là “vị cá mập” khó tính nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam, tuy nhiên thống kê lại cho thấy Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SunHouse, chính là nhà đầu tư chịu cam kết đầu tư nhất trong chương hỗ trợ khởi nghiệp này.

Cam kết đầu tư 49 dự án, đã rót vốn 2 thương vụ

Cụ thể, theo thông tin từ Shark Tank Việt Nam, có tổng cộng 49 dự án start up được các “cá mập” cam kết đầu tư với tổng số tiền lên tới 323 tỷ đồng sau 2 mùa.

Trong đó, riêng Shark Phú đã cam kết đầu tư vào 13 thương vụ, bao gồm 8 thương vụ đầu tư cá nhân và 5 thương vụ đầu tư chung với các “cá mập” khác.

Trong mùa đầu tiên Shark Tank lên sóng, đã có tổng cộng gần 117 tỷ đồng được 4 “cá mập” chủ chốt và các cá mập khách mời rót vốn.

Ông chủ Tập đoàn Sunhouse đã cam kết rót vốn vào 8 dự án, gồm 4 dự án đầu tư cá nhân và 4 dự án đầu tư chung với tổng giá trị lên tới 28,8 tỷ đồng. Đây là mức cam kết rót vốn nhiều nhất trong số các “cá mập” tham gia chương trình, cao hơn 2 tỷ đồng so với Shark Thái Vân Linh (26,8 tỷ đồng cho 4 thương vụ) và Shark Trần Anh Vương (26,18 tỷ đồng cho 10 thương vụ).

shark phu da cam ket chi bao nhieu tien sau 2 mua shark tank
Shark Phú cam kết rót vốn vào nhiều dự án start up nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam qua 2 mùa. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cụ thể, “vị cá mập” này cam kết rót 3 tỷ đồng để đổi lấy 40% vốn trong start up Lavita Bakery, thương hiệu chuyên về bánh mì và bánh kem châu Âu do bà Trần Thị Quỳnh sáng lập.

Thương vụ giá trị khác của doanh nhân này là cam kết rót 5 tỷ đồng cho 15% vốn sở hữu tại Nanocucurmin; chi 2 tỷ đồng đổi lấy 30% vốn của Công ty Đại Thành (Bến Tre); 11 tỷ đồng cho 25% vốn và lợi ích tại Vinalinks.

Còn lại 4 thương vụ đầu tư chung của Shark Phú trong mùa 1 bao gồm cam kết rót 3 tỷ đồng cho 45% vốn của dự án Phleek, chung với Shark Phạm Thanh Hưng; đồng ý chi 4 tỷ đồng cho 36% sở hữu Dấm Thủy Tâm cùng với Shark Vương; cùng Shark Vương và Shark Nguyễn Ngọc Thủy chi 2,7 tỷ đồng đổi lấy 36% vốn trong Volunteer For Education.

Cuối cùng là thương vụ cùng Shark Trương Lý Hoàng Phi cam kết rót 330.000 USD để đổi lấy 20% vốn tại dự án Tictag.

Trong mùa 2, đã có 27 dự án start up tham gia chương trình được các nhà đầu tư cam kết rót vốn với tổng số tiền 206,5 tỷ đồng.

Không còn là người chi nhiều tiền nhất nhưng Shark Phú vẫn chi ra gần 37,3 tỷ để đầu tư cho 5 thương vụ của mình. Số tiền đầu tư này chỉ kém Shark Việt với số tiền cam kết đầu tư lên tới hơn 47 tỷ đồng cho 5 dự án.

Tuy nhiên, so với chính số tiền đã chi ra mùa 1, ông chủ Sunhouse đã cam kết sẽ chi nhiêu hơn cho các startup gần 10 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 1 thương vụ làm chung, còn lại là 4 thương vụ cá nhân Shark Phú đầu tư.

shark phu da cam ket chi bao nhieu tien sau 2 mua shark tank

Trong thương vụ làm chung duy nhất cùng Shark Dzung Nguyễn, hai vị cá mập đã cam kết sẽ đầu tư 6 tỷ đồng để đổi lấy 24% vốn của Mắm Lê Gia, cơ sở chuyên cung cấp các sản phẩm nước mắm cốt truyền thống, mắm tôm, mắm tép…

Còn lại 4 thương vụ riêng của Shark Phú cũng đều có giá trị rất lớn như 4,65 tỷ đồng cho 20% vốn trong dự án Đô Ta. Tuy nhiên, đây là thương vụ đầu tư dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 20%/năm. Nếu công ty đạt KPI, ông sẽ chuyển số trái phiếu này thành 20% cổ phần, còn không đây sẽ như là một khoản cho vay với doanh nghiệp.

Vị “cá mập” cùng đồng ý chi 500.000 USD cho 36% vốn tại dự án Robot 3T, nền tảng robot công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đang được ứng dụng tại nhiều tập đoàn lớn tại nhiều nước. Trong dự án Sedan Việt Nam chuyên cung cấp phụ tùng ôtô Hàn Quốc – Nhật Bản chính hãng, Shark Phú đã đồng ý chi 8 tỷ để đổi lấy 40% vốn của dự án.

Và cuối cùng là khoản cho vay trái phiếu chuyển đổi với giá trị 10 tỷ đồng, lãi suất 18%/năm với dự án Yến Quân.

Theo thông tin từ Shark Tank Việt Nam, đã có ít nhất 2 thương vụ được Shark Phú rót tiền bao gồm dự án Đô Ta và Dấm Gạo & Hồ tiêu muối Thủy Tâm.

shark phu da cam ket chi bao nhieu tien sau 2 mua shark tank

'Đúng ra không được đầu tư vụ nào'

Trong cuộc trao đổi với Zing.vn mới đây, vị “cá mập” nhận xét, trên góc độ đầu tư, đúng ra ông không được đầu tư vào thương vụ nào trong 2 mùa Shark Tank vừa qua.

Theo ông, đó là điều đáng buồn. Thực trạng, nền tảng của các start up còn quá non trẻ, thiếu quá nhiều điều kiện, cơ hội thành công trong thương trường không cao.

“Tỷ lệ thất bại là rất rất cao, lên đến 99%. Tôi đang hy vọng 1% còn lại có thể rơi vào mình, may mắn được một vụ nào đó. Khi đầu tư tôi cũng xác định có thể mất 100%. Khi mất cái này tôi có thể có được các lợi ích khác như tôi đã nói vì khi tham gia tôi có nhiều mục đích. Nếu thất bại trong đầu tư thì tôi vẫn đạt được những mục đích khác”, ông Phú chia sẻ.

Cam kết nhiều và đã rót vốn 2 thương vụ, thế nhưng, ông nói thẳng: "Khi đầu tư tôi cũng xác định có thể mất 100%". Đổi lại, ông được gì?

Mong muốn tìm cơ hội đầu tư sinh lời chỉ là một trong các mục đích của doanh nhân này. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn "PR là chuyện đương nhiên... Khi tôi tham gia chương trình kéo dài như vậy, thay vì quảng cáo, nhiều người cũng biết đến chúng tôi".

Một mục đích khác là "tìm kiếm được nhân tài ở những ngành nghề liên quan đến công nghệ, phù hợp chiến lược phát triển... Trong trường hợp không thành, không phải là họ bất tài, họ vẫn rất giỏi trong lĩnh vực nào đó. Họ thất bại trong dự án của mình nhưng vẫn có thể dùng cho mục đích khác".

Xem thêm

Quang Thắng