|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 thương vụ bạc tỉ từ quỹ ngoại vào các startup Việt Nam trong năm 2019

15:15 | 22/12/2019
Chia sẻ
Các startup công nghệ tài chính và thương mại điện tử của Việt Nam nằm trong nhóm gọi vốn đầu tư thành công nhất tại Việt Nam trong năm qua.

Năm 2019 là một năm thành công của startup Việt Nam trong việc gọi vốn "khủng" từ các quỹ ngoại.

Theo thống kê chính thức từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các startup Việt đã đón nhận 750 triệu USD đầu tư với 29 thương vụ, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2019. 

Công nghệ tài chính (fintech) là lĩnh vực đầu tư nóng bỏng nhất với những khoản đầu tư như 300 triệu USD vào VNPay hay 100 triệu USD cho Momo.

Những con số ấn tượng đưa Việt Nam trở thành "điểm nóng" của startup fintech trong khu vực. 

Nikkei tiết lộ rằng, nếu như trong năm 2018, vốn đầu tư vào startup fintech ở Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng 0,4% trong khu vực Đông Nam Á, thì con số của 9 tháng đầu năm 2019 đã chạm mốc 36%, chỉ xếp sau Singapore.

Trong các khoản đầu tư lớn còn lại, thương mại điện tử và các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử cũng có vai trò nổi bật.

Startup Việt Nam liên tục nhận vốn khủng từ các quỹ đầu tư ngoại trong năm 2019. (Số liệu: Thái Sơn tổng hợp, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Đồ họa: Thái Sơn

VNPay nhận 300 triệu USD từ quỹ startup Vision Fund (SoftBank) và GIC Pte

Cuối tháng 7, cộng đồng startup Việt Nam dậy sóng trước thông tin quỹ đầu tư Vision Fund (SoftBank) và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC Pte có thể cùng đầu tư tới 300 triệu USD vào VNLIFE, công ty mẹ của startup thanh toán VNPay.

Với động thái đó, VNLIFE trở thành công ty Việt Nam đầu tiên lọt vào danh mục đầu tư của quỹ đầu tư danh tiếng Vision Fund. Theo DealStreetAsia, số tiền cam kết đầu tư của Vision Fund (SoftBank) và GIC lần lượt là 200 triệu USD và 100 triệu USD.

DealStreetAsia tiết lộ thêm rằng ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch VNLIFE, xác nhận vào cuối tháng 7 rằng thương vụ đầu tư đã được hoàn tất, song tất cả các bên có liên quan đều không công bố thông tin chi tiết. 

Cùng thời điểm đó, một hồ sơ kinh doanh cho thấy Ardolis Investment Pte, một công ty con của quĩ đầu tư GIC, hiện đang nắm giữ 15,7% cổ phần tại VNLIFE.

Ra đời vào tháng 3/2017, VNPay là một trong những công ty cung cấp giải pháp thanh toán phi tiền mặt hàng đầu tại Việt Nam. Theo số liệu VNPay công bố, công ty đang có quan hệ với hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp.

Momo nhận 100 triệu USD từ Warburg Pincus trong vòng gọi vốn Series C

Momo là startup mở màn cho một năm gọi vốn thành công từ quỹ ngoại của startup Việt khi công bố vào tháng 1 rằng ứng dụng đã gọi vốn thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ công ty quỹ tư nhân toàn cầu Warburg Pincus.

Đây là khoản đầu tư thứ ba mà Momo nhận từ khi thành lập vào năm 2013. Trước đó, Momo đã nhận 5,8 triệu USD từ Goldman Sachs Investment Partners hồi tháng 1/2013, trước khi nhận khoản đầu tư 28 triệu USD ở vòng Series B từ Standard Chartered Bank vào tháng 3/2016, theo Kr-ASIA.

Thời điểm nhận đầu tư, ông Phạm Thanh Đức, CEO Momo, cho biết khoản đầu tư sẽ hỗ trợ Momo xây dựng hạ tầng thanh toán, áp dụng công nghệ để nâng cao phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Đầu năm nay, Momo khẳng định ứng dụng đã có 10 triệu người dùng trên nền tảng ví điện tử của mình.

Scommerce nhận 100 triệu USD trong vòng gọi vốn do Temasek dẫn dắt

Cuối tháng 10, Scommerce, một nhà cung cấp các dịch vụ logistics tại Việt Nam, xác nhận công ty kêu gọi 100 triệu USD trong vòng gọi vốn do quĩ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore dẫn dắt.

Scommerce là công ty mẹ của một số startup trong lĩnh vực giao hàng như Giao Hang Nhanh (GHN) hay AhaMove.

Theo một thông báo cáo chí từ Scommerce, khoản đầu tư từ Temasek sẽ được dùng để mở rộng phạm vi và khả năng hoạt động của GHN và AhaMove, đồng thời tiếp tục tập trung vào công nghệ tự động hoá.

Ra đời vào năm 2012, Scommerce đang cung cấp đa dạng các dịch vụ giao nhận tại Việt Nam như giao hàng nhanh, giao hàng chặng cuối, cho thuê xe tải và dịch vụ trung tâm xử lý hàng hoá. 

GHN và AhaMove, nằm trong hệ sinh thái của công ty này, đang là đối tác giao hàng của Shopee, Tiki, Sendo và Lazada. Bên cạnh đó, họ cũng có khoảng 100.000 khách hàng là các doanh nghiệp bán hàng trung bình và nhỏ.

Dung lượng nền kinh tế số ở Việt Nam vao năm 2025 được dự đoán chạm mốc 43 tỉ, thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Dự đoán này tạo tiền đề để các startup trên nền công nghệ/ Internet tiếp tục thu hút sự chú ý. (Việt hoá: Thái Sơn)

Dung lượng nền kinh tế số ở Việt Nam vao năm 2025 được dự đoán chạm mốc 43 tỉ, thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Đồ họa Việt hoá: Thái Sơn

Tiki gọi thành công 75 triệu USD từ Northstar Group

Hồi tháng 3, trang thương mại điện tử B2C Tiki nhận 75 triệu USD đầu tư trong một vòng gọi vốn do Northstar Group dẫn dắt. Tiki là startup thứ hai được Northstar đầu tư ở Việt Nam. Trước đó, quỹ này từng rót 50 triệu USD vào Topica Edtech Group hồi năm ngoái.

Vào tháng 6, Nikkei đưa tin Tiki có mục tiêu gọi thêm 100 triệu USD cho vòng gọi vốn từ một số nhà đầu tư Hàn Quốc hiện hữu như Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures. 

Nếu kết quả kinh doanh khả quan, vốn đầu tư có thể lên tới 150 triệu US. Song ở thời điểm hiện tại, thông tin về những khoản đầu tư trên thực tế vẫn chưa được công bố.

Sendo nhận 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.

2019 là một năm thành công của Sendo bởi không chỉ tăng trưởng về lưu lượng truy cập, sàn TMĐT này còn đón tin vui từ các nhà đầu tư.

Trung tuần tháng 11, Sendo nhận 61 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn Series C với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện hữu gồm SBI Group, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners, và Digital Garage cùng hai nhà đầu tư  mới EV Growth (Singapore) và Kasikornbank (Thái Lan).

Ông Trần Hải Linh, CEO và đồng sáng lập Sendo, tiết lộ khoản đầu tư sẽ được dùng để cải thiện dịch vụ cho cả người bán và khách hàng, bao gồm đầu tư vào công nghệ và máy học để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ra đời vào năm 2012 và nằm trong hệ sinh thái dịch vụ của FPT, Sendo tách ra thành một công ty độc lập vào năm 2014 và hiện tại đang phục vụ hơn 12 triệu khách hàng tại Việt Nam.

Khoản đầu tư lớn nhất trước đó Sendo nhận là 51 triệu USD trong vòng Series B hồi tháng 8/2018.

Startup non trẻ Telio nhận 25 triệu USD trong vòng Series A

Startup thực hiện thương vụ gọi vốn mới nhất và đình đám ở Việt Nam gần đây là Telio với khoản vốn 25 triệu USD, thuộc Series A, do Tiger Global dẫn dắt. Sequoia India, GGV Capital, và RTP Global cũng tham gia đầu tư.

Ra đời vào tháng 11/2018, Telio kết nối các nhà bán lẻ nhỏ ở Việt Nam với các thương hiệu và nhà bán buôn trên một nền tảng tập trung để mang đến nhiều lựa chọn hơn cùng cơ chế giá hấp dẫn và dịch vụ kho vận hiệu quả.

Với vốn góp mới, Telio kì vọng có thể mở rộng dịch vụ ra thêm 4 thành phố ở Việt Nam và đón 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng vào tháng 6/2020. Telio đang có khoảng 3.000 nhà bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM trên nền tảng.

Thái Sơn