4 xu hướng nổi bật trong bức tranh khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam năm 2019
Công nghệ tài chính và thương mại điện tử thăng hoa với vốn đầu tư
Chưa đầy 2 tuần trước khi năm 2019 kết thúc, Ant Financial, công ty tài chính của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, công bố thỏa thuận đầu tư vào ví điện tử eMonkey của Việt Nam.
Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam do hai quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures và ESP Capital công bố cho thấy, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã huy động tổng cộng 246 triệu USD trong nửa đầu năm 2019, tăng mạnh so với mức 166 triệu USD của cùng kỳ năm 2018.
3 khoản đầu tư lớn nhất, dành cho Tiki, VNPay và VNG, đã chiếm tới 63% tổng số vốn. Các doanh nghiệp liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số như thương mại điện tử và thanh toán chiếm gần 60% vốn đầu tư.
Càng về cuối năm, các con số càng thay đổi ngoạn mục. Theo thống kê chính thức từ Bộ Khoa học và Công nghệ, đến tháng 10, tổng vốn đầu tư các startup Việt đã nhận là 750 triệu USD với 29 thương vụ.
Công nghệ tài chính (fintech) là lĩnh vực đầu tư nóng bỏng nhất với những khoản đầu tư như 300 triệu USD vào VNPay hay 100 triệu USD cho Momo. Đến cuối năm nay, tổng vốn đầu tư có thể đạt 800 triệu USD, tăng ít nhất 80% so với 444 triệu USD vào năm ngoái.
Những con số ấn tượng đưa Việt Nam trở thành "điểm nóng" của startup fintech trong khu vực. Nikkei tiết lộ rằng, nếu như trong năm 2018, vốn đầu tư vào startup công nghệ tài chính ở Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng 0,4% trong khu vực Đông Nam Á, thì con số của 9 tháng đầu năm 2019 đã chạm mốc 36%, chỉ xếp sau Singapore.
Số lượng thương vụ đầu tư ở Việt Nam đã tăng đáng kể - từ 2% vào năm ngoái lên con số 8% vào năm nay, đưa Việt Nam lên xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực, sau Singapore (51%) và Indonesia (28%).
"Lần đầu tiên năm 2018 và 2019 chứng kiến một làn sóng khởi nghiệp mới tại Việt Nam với quy mô vốn huy động tăng từ 50 triệu USD lên 100 USD. Nếu xu hướng này phát triển, nhiều công ty Việt Nam có thể đạt mức 500 triệu USD và cuối cùng đạt mức định giá 1 tỷ USD trong những năm tới", báo cáo của Cento Ventures và ESP Capital nhận định.
Thị trường gọi xe liên tục đón nhận ứng dụng mới
Vào tháng cuối cùng của năm, người dân vẫn có cơ hội chứng kiến một ứng dụng gọi xe mới ra mắt. 88GO, tên của ứng dụng, tập trung vào các tuyến vận tải dài, liên tỉnh.
Hiện tại, dịch vụ của 88GO bao gồm đặt xe du lịch, đặt xe đi chung, đặt xe sân bay và đặt xe một chiều. Các dòng xe mà đối tác của 88GO cung cấp rất đa dạng, từ 4 đến 45 chỗ và khách có thể lựa chọn xe theo sở thích.
Giá cả của 88GO sẽ do bên đối tác (chủ sở hữu xe) quyết định. Công ty sẽ hoạt động đúng nghĩa với mục đích kết nối các bên.
Dù không tự quyết định mức giá, nhưng 88GO vẫn cam kết sẽ có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn 20-40% so với mức giá hiện hành trên thị trường.
Chưa đầy một tháng trước đó, ứng dụng gọi xe ZuumViet gia nhập thị trường, với đồng phục màu tím. ZuumViet sẽ bao gồm những dịch vụ ZuumBike, ZuumCar (4 bánh, 7 bánh) và ZuumLux (dịch vụ gọi xe ô tô sang). ZuumViet tuyên bố họ là ứng dụng do 100% chuyên gia Việt tạo ra và mang công nghệ Việt Nam.
Cách phát triển hệ sinh thái của ZuumViet đang có phần tương đối khác biệt. Các hãng gọi xe ban đầu tập trung vào việc khuyến mãi để thu hút khách hàng. Trong khi đó, ZuumViet lại hướng tới việc xây dựng cộng đồng tài xế nhiều hơn.
Ngoài cơ chế thưởng theo cuốc và tích điểm ở các hãng gọi xe trên thị trường, ZuumViet còn thưởng theo giờ làm việc.
Cụ thể, một tài xế bật ứng dụng liên tục 8 tiếng/ngày làm việc và sử dụng chế độ tự động nhận chuyến, sẽ nhận thưởng 100.000 đồng bất kể trong khoảng thời gian 8 tiếng đó tài xế nhận khách hay không.
Một điểm đáng chú ý là tài xế giới thiệu các đối tác vào sau cũng hưởng 1% phí chiết khấu từ doanh thu của tài xế cấp dưới. Chính sách ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi: ZuumViet có phải là một mô hình đa cấp mới?
Hồi tháng 6, công ty Viettel Post công bố dịch vụ gọi xe MyGo để kết nối người có nhu cầu di chuyển hoặc vận chuyển hàng hóa với các tài xế.
Các tính năng của ứng dụng gồm gọi xe máy, gọi ô tô, giao hàng, vận chuyển bằng xe tải. Với những tính năng như vậy, MyGo sẽ cạnh tranh với Grab, Go-Viet, Be và những công ty giao hàng cho doanh nghiệp. Vận chuyển bằng xe tải là điểm khác biệt của MyGo so với những ứng dụng gọi xe trực tuyến đang phổ biến hiện nay.
Ứng dụng đặt xe Tada Việt Nam ra mắt dịch vụ đặt xe 4 bánh tại TP HCM vào ngày 21/1. Là ứng dụng gọi xe không thu chiết khấu tài xế trọn đời, Tada chuyển cho tài xế toàn bộ số tiền khách hàng thanh toán.
Tada là sản phẩm của công ty MVL (Massive Vehice Ledger) – một startup trong lĩnh vực Blockchain ở Hàn Quốc.
Nhà sáng lập của MVL khẳng định Tada có thể hợp tác với Grab và những doanh nghiệp khác trong tương lai, bằng cách liên kết với hệ thống điểm thưởng dựa trên nền tảng blockchain của MVL. Tada sẽ trao các token MVL cho các đối tác tài xế nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng, đồng thời khách hàng cũng nhận tiền mã hoá khi họ đưa ra các phản hồi.
Hàng loạt mạng xã hội ra đời
Vietnamta là mạng xã hội thuần Việt đầu tiên ra mắt (vào tháng 2). Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư thương mại Nhật Việt - doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ kim loại.
Đầu tháng 6, Hahalolo, mạng xã hội chuyên về du lịch, ra mắt với tuyên bố họ sẽ đạt 2 tỷ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)" và cạnh tranh trực tiếp với Facebook.
Đúng một tháng sau, thị trường đón nhận Gapo - mạng xã hội nhận đầu tư 500 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư G-Capital. Bên cạnh việc tập trung các tính năng tương tác, chủ sở hữu Gapo khẳng định họ sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo nội dung hấp dẫn trên nền tảng mà không cần là người có ảnh hưởng hay nổi tiếng.
Cuộc đua tiếp tục hấp dẫn khi VCCorp công bố mạng xã hội Lotus vào ngày 16/9. VCCorp tuyên bố công ty đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án.
Bên cạnh đó, ứng dụng Mocha - một công cụ giao tiếp mà Viettel phát triển từ cuối năm 2018, cũng nâng cấp để trở thành một mạng xã hội dành cho giới trẻ.
Có lẽ ít người biết rằng Việt Nam từng có tới 436 mạng xã hội nội địa từng ra đời trong thập niên qua như Zingme, Go.vn, Tamtay, Yume. Về 436 mạng xã hội ấy, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, hầu hết chúng hoạt động theo dạng diễn đàn, không hấp dẫn so với các mạng xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội, cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao. Bởi vậy, rất ít mạng xã hội của Việt Nam tồn tại quá một năm.
Trào lưu làm mạng xã hội sôi động trở lại từ năm 2008, sau khi các cơ quan quản lí bày tỏ tham vọng về mạng xã hội "made in Vietnam" để thị phần quảng cáo trực tuyến không rơi vào tay Facebook.
Với bối cảnh ấy, cuộc đua thành lập mạng xã hội tại Việt Nam tiến vào chương mới. Để thu hút người dùng, các mạng xã hội mới đề cao sự tương tác, kết nối.
Nhiều người dùng nhận xét rằng phần lớn mạng xã hội mới của Việt Nam trong năm 2019 chưa mới mẻ, thậm chí một số là phiên bản "copy" của những tên tuổi lớn. Một số vấn đề kĩ thuật khác cũng có thể là trở ngại của các tên tuổi mới.
Chẳng hạn, VietnamTa có giao diện khá giống Facebook. Người dùng cũng phàn nàn về tốc độ tải dữ liệu và khả năng bảo mật, xác thực tài khoản. Ngay sau khi Hahalolo ra mắt, giới công nghệ nhận định Hahalolo tương đối sơ sài, sao chép tính năng, lỗi phát sinh khi đăng nhập, đăng kí.
Vài giờ sau khi ra mắt, Gapo cũng vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký. Việc Gapo không phát triển phiên bản web cũng có thể là một trong những hạn chế.
Hợp tác để tăng tốc độ giao hàng giữa các doanh nghiệp
2019 là năm mà thị trường giao hàng ở Việt Nam tăng trưởng nhanh, với sự tham gia của nhiều nhóm doanh nghiệp. Nhóm truyền thống trong nước bao gồm Viettel Post, VNPost, còn nhóm nước ngoài bao gồm FedEx, UPS, DHL.
Bên cạnh đó, các nhóm doanh nghiệp công nghệ nước ngoài (như Ninja Van, Lalamove), nhóm doanh nghiệp công nghệ trong nước (như GHN, Giaohangtietkiem), nhóm siêu ứng dụng (như Grab, Go-Viet), nhóm tự vận chuyển (như Tiki Express Delivery, Lazada Express) cũng tham gia cuộc đua.
Vốn đang có tiềm năng phát triển, ngành logistics nhận thêm cú hích từ thị trường thương mại điện tử. Việt Nam là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo trang thống kê Statista.
Còn theo số liệu của Google và Temasek, doanh thu từ thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 2,8 tỉ USD, với mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm.
Nếu tính theo báo cáo của ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP, thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam có quy mô khoảng 560 triệu USD.
Bên cạnh chất lượng dịch vụ, tốc độ giao nhận là "vũ khí" cạnh tranh hàng đầu giữa các đối thủ và cũng là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay.
Các chợ điện tử, nhà bán lẻ lớn đều cam kết sẽ giao hàng trong thời gian ngắn dần. Thế Giới Di Động cam kết giao hàng trong vòng 30 phút, FPT Shop giao hàng trong vòng 60 phút, Tiki giao hàng trong 2 giờ, Lotte.vn triển khai dịch vụ "Giao nhanh chớp mắt" trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ.
Trong tháng 11, Giao Hàng Nhanh chính thức vận hành kho phân loại hàng hóa tự động với diện tích mặt bằng lên tới 6.000 m2 ở TP HCM với hệ thống phân loại hàng có giá trị tới 2 triệu USD. Cùng với kho phân loại tự động 4.000 m2 ở Hà Nội, Giao Hàng Nhanh kì vọng nâng tỉ lệ giao hàng trong ngày lên 85-90%, so với tỉ lệ 60% trước đây.
Lazada đang phát triển dịch vụ chuyển phát P2P (Point-to-Point) trong 2 giờ với các đối tác do công ty chọn lọc tại TP HCM và Hà Nội. Công ty cũng sẽ triển khai dịch vụ giao hàng trong 4 giờ, với các sản phẩm dưới 15 kg (bao gồm sản phẩm cồng kềnh).
Thay vì tự lực như Giao Hàng Nhanh hay Lazada, nhiều doanh nghiệp khác chọn giải pháp hợp tác để rút ngắn thời gian giao hàng. Ngay từ năm ngoái, Sen Đỏ hợp tác với GrabExpress triển khai gói dịch vụ "Giao hàng siêu tốc 3 giờ".
Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Sen Đỏ - nhận định điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau".
Các doanh nghiệp giao nhận truyền thống đã bắt đầu liên kết với doanh nghiệp công nghệ non trẻ để tăng thời gian giao hàng. Hồi tháng 10, EMS Việt Nam đã chính thức hợp tác với Lalamove, triển khai dịch vụ Giao hàng nội thành siêu tốc trong 2 giờ.
Thỏa thuận cho phép EMS và Lalamove tận dụng thế mạnh đặc trưng của mỗi bên - như hệ thống kho vận, nền tảng ứng dụng, đội ngũ tài xế và lượng khách hàng tiềm năng.
Đầu tháng 11, sàn thương mại điện tử Shopee hợp tác với Grab để triển khai dịch vụ giao hàng một giờ trong nội thành. Từ ngày 04/11, khi đặt hàng trên Shopee tại Hà Nội và TP HCM, người mua có thể chọn Grab là phương thức vận chuyển.
Theo cam kết của Shopee, dịch vụ giao hàng của Grab sẽ giao hàng trong 1-2 giờ, hoạt động mọi ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ.
Mới đây, Grab còn bắt tay với Vietjet triển khai dịch vụ giao nhận hàng hóa từ điểm đầu tới điểm cuối với thời gian cực nhanh: chuyển hàng giữa TP.HCM - Hà Nội chỉ mất 5 giờ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/