|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mạng xã hội Việt Nam: Lotus sau màn chào sân hoành tráng, Gapo dần tăng tốc sau cú vấp đầu tiên, Hahalolo vắng bóng

19:31 | 17/12/2019
Chia sẻ
Với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng sau ba năm chạm ngõ, sự kiện ra mắt hoành tráng với sự góp mặt của nhiều nhân vật tên tuổi hay tham vọng đạt 2 tỉ người dùng sau 5 năm và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, Gapo, Lotus hay Hahalolo đều đã từng "chiếm sóng" trong một thời gian. Tuy nhiên, sau vài tháng ra mắt, ba mạng xã hội Việt Nam này lại đi theo những kịch bản khác nhau.

Khởi đầu không suôn sẻ, Gapo đang dần tăng tốc?

Ra mắt trước mạng xã hội Lotus hai tháng, Gapo chiếm trọn sự chú ý của công chúng khi khẳng định hướng đến mục tiêu 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 và 50 triệu người dùng vào năm 2021, tức chỉ ba năm sau khi "nhổ neo".

Ngoài ra, việc "bà đỡ" G-Capital cam kết rót vốn 500 tỉ đồng vào Gapo còn giúp mạng xã hội này tăng tiếng thơm tại thời điểm người dùng mạng còn đang ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một mạng xã hội mới toanh.

Với mục tiêu lớn như vậy, tưởng chừng Gapo đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ thì chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi ra mắt, người dùng mạng xã hội này đã không thể truy cập vào ứng dụng. Nhà phát triển Gapo đã phải tạm dừng hệ thống để sửa lỗi vì quá tải.

Bên cạnh đó, mạng này còn dính phải lùm xùm về nghi vấn chính sách bảo mật của Google không sai một chữ.

Ảnh chụp màn hình một bài đăng trên mạng xã hội Gapo

Ảnh chụp màn hình một bài đăng trên mạng xã hội Gapo.

Tuy nhiên, Gapo dường như đã tăng tốc sau khởi đầu vấp váp. Vào ngày 15/9, mạng xã hội này đã tổ chức sự kiện cán mốc 2 triệu người dùng với đông đảo khách mời là các nghệ sĩ, KOL nổi tiếng và ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập Gapo.

Không chỉ vậy, Gapo cho biết nhiều nghệ sĩ cũng chọn họ làm kênh phát hành sản phẩm mới như ca sĩ Bích Phương, Hoàng Thùy Linh, Ngô Kiến Huy...

Tính đến giữa tháng 12, không rõ mạng xã hội trên đã thu hút bao nhiêu người dùng và có thể hoàn thành mục tiêu cán đích 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 hay không.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trên CH Play, Gapo đã thu về hơn 1 triệu lượt tải ứng dụng.

Ghi nhận một lượt trên trang web và ứng dụng của Gapo có thể thấy lượt tương tác của các bài đăng khá cao. Trung bình, một bài đăng của tài khoản cá nhân hoặc Fanpage có lượt tương tác khoảng 500, bên cạnh hàng chục đến hàng trăm lượt bình luận.

giao diện của Gapo trên trang web

Người dùng này chưa kết bạn với ai, tuy nhiên có thể thấy dù bổ sung thêm bạn bè vào danh bạ, giao diện của Gapo trên trang web cũng khá thưa thớt.

Mặc dù vậy, giao diện của Gapo trên trang web nhìn chung khá đơn giản và không đặc sắc, trong khi trên ứng dụng đầy đủ và gọn gàng hơn.

Lotus ra sao sau màn chào sân hoành tráng?

Nhìn qua nền tảng Lotus, mạng xã hội "chào đời" sau Gapo hai tháng và có buổi ra mắt khủng hơn hẳn "người đàn anh".

Tổng giám đốc VCCORP Nguyễn Thế Tân, mạng xã hội này còn rất gợi nhắc đến hoa sen, một loài hoa mang ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình trang chủ của mạng xã hội Lotus.

Ảnh chụp màn hình trang chủ của mạng xã hội Lotus.

Buổi ra mắt cho thấy khâu chuẩn bị chỉn chu từ phía nhà phát triển mạng xã hội này. Trên khắp các trang mạng xã hội lớn như Facebook và Instagram, người dùng liên tục đề cập đến Lotus. Mức độ hưởng ứng mạnh mẽ thấy rõ so với buổi "chào sân" của Gapo cách đó gần hai tháng.

Tuy nhiên, tính đến tháng 12, mạng xã hội Lotus trên trang web và ứng dụng đều sơ sài. Đáng chú ý, token từng được giới thiệu là điểm nhấn thú vị dành cho trải nghiệm của người dùng.

Ông Nguyễn Thế Tân cho biết, khi người dùng hoạt động trên mạng xã hội Lotus, họ sẽ nhận được token. Lotus xoay quanh nội dung, nên về cơ bản, bất kì hoạt động nào của người dùng xoay quanh nội dung thì người dùng đều sẽ được nhận token.

Có ba dạng nhận token chính: Đọc/xem - chia sẻ - tạo ra nội dung. Trong đó, nhóm thứ ba sẽ được nhận nhiều token nhất vì họ là những "content creator" - những người tạo ra giá trị, còn những người khác đóng vai trò tham gia sử dụng giá trị đó.

KOL Hana Giang Anh trên MXH Lotus

Dù là một KOL có sức ảnh hưởng, Hana Giang Anh vẫn không thể giành nhiều token cho một bài đăng.

Có những người có thể tích lũy hàng triệu token và cũng sẽ có những người chỉ có vài trăm token.

Tuy nhiên, lấy ví dụ về KOL Hana Giang Anh, một nhân vật đáng chú ý trong làng "fitness" Việt Nam và xuất hiện trên nhiều bài viết quảng bá mạng xã hội Lotus. Có thể thấy, ngay cả một "content creator" như HLV này cũng không thể giành nhiều token.

Ngoài ra, các lượt đọc/xem hay chia sẻ nội dung đều không có thông tin, cho thấy độ vắng bóng của người dùng trên Lotus.

Đến ngày 8/11, trong một phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nhắc đến Lotus và cho biết mạng xã hội này hiện đã có 1 triệu người dùng.

Còn theo ghi nhận trên kho ứng dụng CH Play, mạng xã hội Lotus chỉ mới đạt được hơn 100.000 lượt tải.

Từng ghi dấu ấn với tham vọng đạt 2 tỉ người dùng sau 5 năm, Hahalolo bây giờ đã có gì?

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến cái tên Hahalolo với tham vọng cao ngất ngưỡng: sở hữu 2 tỉ người dùng trong 5 năm, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) vào năm 2024 hoặc 2025.

Dễ hiểu với mục tiêu lớn trên, câu hỏi xoay quanh mạng xã hội du lịch này không liên quan đến nội dung hay trải nghiệm người dùng của trang web và ứng dụng, mà đến từ thực tế rằng Hahalolo có đang quá "ảo tưởng sức mạnh" hay không.

Ngoài ra, nhiều người còn nghi vấn Hahalolo kinh doanh đa cấp trá hình khi huy động vốn từ nhà đầu tư, tổ chức hội thảo thường xuyên. Ban lãnh đạo của mạng xã hội này cho hay, do người nhân viên trước đây từng làm đa cấp đầu quân sang nên họ đang bị hiểu nhầm.

Bỏ qua những nghi ngại trên, mạng xã hội du lịch Hahalolo đã gây được tiếng vang gì? Tính đến tháng 12, Hahalolo vẫn hoạt động ì ạch. Theo ghi nhận trên trang web, số lượng bài đăng của Hahalolo không nhiều và... rất cũ.

Ảnh chụp màn hình trang web của Hahalolo. Nội dung rất cũ và không nhiều điểm mới.

Ảnh chụp màn hình trang web của Hahalolo. Nội dung rất cũ và không nhiều điểm mới.

Đa phần bài đăng gần nhất đã xuất hiện từ 8, hoặc 10 ngày trước. Còn bài đăng mới nhất cách đây một ngày, đến từ Fanpage "Hahalolo Official" của mạng xã hội này.

Qua tìm hiểu, nội dung trên Hahalolo không ghi nhận nhiều thông tin đặc sắc và có phần lộn xộn. Nội dung về du lịch xuất hiện khá dàn trải, xen kẽ với các thông tin về "showbiz" Việt Nam.

Trên kho ứng dụng CH Play, Hahalolo cũng chung tình trạng với Lotus khi chỉ đạt được hơn 100.000 lượt tải dù ra mắt trước hai mạng xã hội Gapo và Lotus một thời gian.

Số lượt tải ứng dụng 3 MXH VN trên android

Gapo bắt đầu ì ạch nhưng đã chạm ngưỡng hơn 1 triệu lượt tải ứng dụng, trong khi Lotus và Hahalolo gây được nhiều tiếng vang lại chỉ mới đạt được hơn 100.000 lượt tải. (Biểu đồ: Alex)

Đánh giá về Gapo, Lotus và Hahalolo trên kho ứng dụng

Nhìn chung, nhận xét của người dùng về phiên bản ứng dụng của hai mạng xã hội này trên kho ứng dụng CH Play và iOS đều không mấy khả quan, tuy nhiên phiên bản Android của Gapo nhỉnh hơn một chút khi đạt được 4,4* với 23.000 lượt đánh giá.

Cụ thể, trên hệ điều hành iOS, 2.250 lượt đánh giá mang về cho Gapo 3,1*. Đa phần các đánh giá của người dùng đều liên quan đến lỗi đăng nhập và xu hướng nội dung trên mạng xã hội này.

Nhiều người nhận thấy các nội dung câu view nhảm nhí, hình ảnh "hotgirl" ăn mặc hở hang xuất hiện với tần suất tương đối cao trên Gapo.

Một số đánh giá của người dùng về ba ứng dụng Gapo, Lotus, Hahalolo (từ trái qua) trên iOS.

Một số đánh giá của người dùng về ba ứng dụng Gapo, Lotus, Hahalolo (từ trái qua) trên iOS. (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, Lotus thực sự tụt lại phía sau khi nhận về mức điểm đánh giá thấp hơn hẳn "người đàn anh" Gapo. Cụ thể, 11.000 đánh giá trên kho ứng dụng CH Play của Android trả về mức điểm 3,1*, tức thấp hơn 4,4* của Gapo. Và 2.980 đánh giá trên iOS kéo tụt điểm của Lotus trên hệ điều hành nhà "Táo khuyết" xuống còn 2,92*.

Vấn đề khiến điểm đánh giá của Lotus lao dốc đến từ chính sách người dùng nhiều lỗ hỏng và yếu tố nội dung. Nhiều bình luận đánh giá trên iOS bày tỏ thái độ không hài lòng khi phải cung cấp ảnh mặt trước và mặt sau của CMND, có nguy cơ gây lộ thông tin người dùng.

Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội này cho biết nội dung được bố trí lộn xộn, thường là thông tin chia sẻ từ các trang báo chứ không phải do thành viên sáng tạo. Một số đánh giá nhận xét Lotus không khác gì một trang báo mạng tạp nham, đủ thể loại thông tin.

Điểm đánh giá của người dùng về ba ứng dụng trên CH Play, từ trái qua phải: Gapo, Lotus, Hahalolo.

Điểm đánh giá của người dùng về ba ứng dụng trên CH Play, từ trái qua phải: Gapo, Lotus, Hahalolo. (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, Hahalolo có mức điểm đánh giá tương đối cao trên hai hệ điều hành iOS và Android, tuy nhiên số lượng người dùng thực hiện đáng giá ít hơn hẳn so với Gapo và Lotus.

Cụ thể, trên iOS Hahalolo chỉ ghi nhận hơn 706 đánh giá, mang về mức điểm khá cao 4,1*. Còn trên kho ứng dụng CH Play, mạng xã hội du lịch này đạt 4,3*, thấp hơn một chút so với Gapo, tuy nhiên lượng người dùng đưa ra đánh giá chỉ bằng 1/8 Gapo và 1/4 của Lotus.

Đa phần các đánh giá đều không ghi nhận nhiều thông tin ngoài bình luận "Hay", "Tuyệt vời". Nhìn chung, đây có thể là các đánh giá ảo từ người dùng ảo. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều phàn nàn về giao diện và trải nghiệm người dùng vì ứng dụng liên tục gặp phải lỗi khi vận hành.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.