|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các mạng xã hội đã đóng hơn 20.000 tỷ tiền thuế tại Việt Nam

19:45 | 12/11/2024
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các mạng xã hội đã đóng hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuế qua hình thức online tại Việt Nam.

Ngày 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấnBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tại buổi họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt vấn đề việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt về pháp lý và công nghệ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, có luật pháp và chính quyền. Vì vậy, phải yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt một số kết quả tích cực như: tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10 - 20% vào năm 2018 đến trên 95% như hiện nay; thời gian đáp ứng từ 48 tiếng rút xuống còn 24 tiếng và đến hiện tại chỉ còn 12 tiếng. Trong trường hợp đặc biệt, phải xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu, độc trong vòng 2 tiếng.

Theo Bộ trưởng, nếu như trước đây chỉ gỡ bỏ những thông tin xấu, độc thì hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải gỡ bỏ các tài khoản, các trang tạm thời, thậm chí gỡ bỏ vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Trước đây, các nền tảng mạng xã hội chỉ rà quét khi có yêu cầu. Hiện nay, các nền tảng này phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm như: cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố….

Đặc biệt, trước đây, mạng xã hội không có định danh, dẫn đến việc nhiều người dùng mạng xã hội vô trách nhiệm. Hiện tại, người dùng mạng xã hội phải định danh thông qua số điện thoại hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, do đó có thể xác định được danh tính khi vi phạm. 

Bộ trưởng thông tin thêm, nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài. 

Mặt khác, nếu trước đây các mạng xã hội chỉ tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng của mình thì hiện tại, các trang này đã tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, các mạng xã hội đã đóng thuế online tại Việt Nam được 2,5 năm. Việt Nam đã thu được khoảng trên 20.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6 lần so với những năm trước đây.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Luật An ninh mạng, các mạng xã hội phải hiện diện pháp lý ở Việt Nam để thuận tiện trong quá trình xử lý thông tin và vi phạm.

Anh My

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.