CEO mạng xã hội Gapo nói gì về cạnh tranh với Facebook và liệu có được 'hậu thuẫn'?
Sáng nay (23/7), CTCP Công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC.,) chính thức ra mắt mạng xã hội dành cho giới trẻ Gapo. Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi, nhiều vị khách tham dự đã đưa ra những câu hỏi đối với đại diện của mạng xã hội Gapo.
Gapo không có ý định cạnh tranh với Facebook
Được biết, Facebook là mạng xã hội hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến cuối tháng 6 năm nay, khoảng 60 – 65 triệu người Việt Nam dùng Facebook. Với vị thế của một 'ông lớn' như Facebook, nhiều người tham dự đặt câu hỏi về việc Gapo có ý định cạnh tranh khi giao diện khá giống Facebook. Cùng với đó là câu hỏi về chiến lược để đạt được con số 50 triệu người dùng vào đầu năm 2021.
Ông Hà Trung Kiên, CEO của Gapo. Nguồn ảnh: Thế Phương/ICTNews
Trả lời câu hỏi này, theo ông Hà Trung Kiên, Gapo không có ý định cạnh tranh với Facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào khác mà chỉ cung cấp thêm sự lựa chọn cho người dùng.
Với câu hỏi về mục tiêu 50 triệu người dùng vào năm 2021, Ceo của Gapo trả lời: "Chúng tôi tin rằng với lợi thế là một công ty của Việt Nam, chúng tôi có thế mạnh trong việc chăm sóc khách hàng, chúng tôi hiểu khách hàng cần gì, cách chăm sóc họ như thế nào là tốt nhất để người dùng thấy hài lòng. Khi đó, họ sẽ lôi kéo bạn bè người thân tham gia vào Gapo. Đó là lý do chúng tôi tự tin vào con số 50 triệu người dùng vào năm 2021."
Liệu Gapo có được hậu thuẫn?
Trở lại con số 50 triệu người dùng, đây là một thử thách không hề nhỏ. Con số này cao hơn 10% so với lượng 46,7 triệu người dùng mạng xã hội Zalo và gấp 10 lần lượng người dùng Mocha ở thời điểm hiện tại.
Được biết, Zalo ra mắt năm 2012 và có hơn 100 triệu người dùng trên thế giới vào tháng 11/2018. Như vậy, Zalo mất khoảng 7 năm để đạt được con số trên. Trong khi, đến năm 2021, Gapo đặt chỉ tiêu 50 triệu người dùng, kế hạch này liệu có khả thi?
Với một tên tuổi khá mới mẻ và một kế hoạch 'khủng' như vậy, một vị khách đặt câu hỏi: "Liệu có sự hậu thuẫn từ phía Chính phủ hay các bộ ngành tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh hay không?".
Với câu hỏi về này, theo ông Kiên, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho các công ty công nghệ phát triển, đặc biệt là mạng xã hội.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ có những ưu đãi nhất định nằm trong khuôn khổ. Chúng tôi sẽ tuân thủ đầy đủ các vấn đề về pháp luật, thuế và không như lo ngại về việc có yếu tố nào đó đằng sau gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi khuyến khích có nhiều mạng xã hội hơn, mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm hơn và mang lại cuộc sống tốt hơn", CEO của Sapo chia sẻ.
Gapo sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng trong tương lai
Trở lại câu chuyện về mạng xã hội 'Made in Việt nam', phải nói rằng, đây không phải là ý tưởng mới. Trước đó, VietnamTa và Hahalolo cũng được 'trình làng' nhưng cho đến nay con số người dùng và sự phát triển vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Do đó, câu chuyện lôi kéo người dùng dường như vẫn làm 'đau đầu' với Start-up Việt trong khi phát triển mạng xã hội.
Tại sự hiện sáng nay, hàng loạt câu hỏi được đưa ra với đại diện của Gapo về triết lý xây dựng sản phẩm? Gapo đang định vị vị trí của mình ở đâu trong số các mạng xã hội hiện nay? Làm cách nào để lôi kéo người dùng về Gapo?
Đại diện Gapo trả lời câu hỏi thắc mắc. Ảnh: Thu Thủy
Theo đại diện mạng xã hội này, Gapo xác định khách hàng sẽ là trọng tâm, vì thế sẽ có đội ngũ chăm sóc luôn lắng nghe ý kiến khách hàng để hoàn thiện sản phẩm. Điểm đặc biệt của Gapo là tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mọi người có rất nhiều tùy chọn khác nhau để trang trí ngôi nhà của mình trên Gapo.
Trong giai đoạn sau, mọi người còn được sử dụng thêm video, âm nhạc hoặc thậm chí là các dạng hình ảnh tương tác khác trong trang cá nhân. Bên cạnh đó, Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân để bảo vệ tài khoàn, thanh toán trực tuyến hay sử dụng các dịch vụ công, ông Hà Trung Kiên giải đáp thắc mắc.
Khi được hỏi về kế hoạch chia sẻ doanh thu với người dùng với những bài viết nhiều lượt xem và chia sẻ, ông Hà Trung Kiên Trả lời: "Chúng tôi xin đính chính hiện Gapo chưa có chính sách đấy. Rất nhiều chính sách sẽ được áp dụng trong tương lai gần. Trong tương lai, Gapo sẽ chia sẻ một phần doanh thu của mình cho khách hàng. Những người sáng tạo đầu tiên, có bài viết blog hay, video hấp dẫn… thu hút nhiều người có thể tạo ra một nguồn thu nhập ổn định".
Gapo bảo mật thông tin người dùng như thế nào?
Đối với mạng xã hội, bảo mật thông tin của người dùng là rất quan trọng. Với những 'ông lớn' như Facebook cũng từng dính lùm xùm về vấn đề này. Trở lại với câu chuyện của mạng xã hội 'Made in Việt Nam' này, vấn đề thông tin người dùng tiếp tục được nhắc đến.
"Vấn đề bảo mật thông tin người dùng tại Gapo có an toàn? Liệu thông tin có được đảm bảo với những người trong nội bộ công ty?"
Tất cả những thông tin người dùng Gapo đều được mã hóa và không một nhân viên nào trong Gapo có quyền truy cập vào những thông tin đó. Thứ hai là chúng tôi có sự hỗ trợ từ các công ty bảo mật khác trong nước như VSEC chẳng hạn, giúp chúng tôi kiểm tra hệ thống thường xuyên để đảm bảo độ an toàn cao nhất cho thông tin khách hàng.
Với những gì giới thiệu tại lễ ra mắt và phần trả lời của đại điện Gapo phần nào cho thấy tham vọng của mạng xã hội này. Một thông tin được đánh giá là tích cực khi G-Capital cam kết đầu tư 500 tỉ đồng để hỗ trợ giai đoạn đầu. Liệu khoản tiền không nhỏ này và 'bà đỡ mát tay' G-Group sẽ giúp Gapo lôi kéo được người dùng?
G-Capital là quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính của G-Group. G-Capital tham gia đầu tư và hỗ trợ các công ty trong việc xây dựng chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng và gọi vốn cho các vong đầu tư tiếp theo.
Với cam kết đầu tư, Gapo trở thành thành viên thứ 9 của hệ sinh thái G-Group. Theo đó, G-Group đã có 8 thành viên gồm F88, Tima, G-Pay, Ginnovations, BEATVN, GameTV, VSEC và G-Capital.
Về cơ cấu cổ đông, CTCP Công nghệ Gapo có vốn điều lệ 10 tỉ đồng và có 3 cổ đông chính trong đó G-Group sở hữu 35% vốn điều lệ, CPCP Giải pháp công nghệ cao Việt SIFO sở hữu 35% vốn điều lệ và ông Hà Trung Kiên sở hữu 30%.