Gia nhập thị trường gọi xe, 88GO tập trung chuyến dài, để các bên thỏa thuận giá
Cái tên mới trên thị trường gọi xe
Hiện tại thị trường gọi xe tại Việt Nam đã rất đông đúc với nhiều cái tên như Grab, Be, Go-Viet hay FastGo. Đặc điểm chung của đa số ứng dụng là hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ và tập trung phát triển vào các chuyến vận tải chặng ngắn.
Nhận thức tình hình đó, nhóm sáng lập của 88GO quyết định triển khai một ứng dụng gọi xe tập trung vào các tuyến vận tải dài, liên tỉnh. Cơ chế hoạt động của 88GO không khác nhiều so với các ứng dụng khác: Kết nối giữa khách hàng và các chủ xe.
Hiện tại, dịch vụ của 88GO bao gồm đặt xe du lịch, đặt xe đi chung, đặt xe sân bay và đặt xe một chiều. Các dòng xe mà đối tác của 88GO cung cấp rất đa dạng, từ 4 đến 45 chỗ và khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn xe theo sở thích.
Nhà sáng lập Nguyễn Thanh Tùng muốn 88GO trở thành ứng dụng tiên phong trong việc phục vụ thị trường vận tải đường dài. Ảnh: Cà phê sáng khởi nghiệp
"Mô hình kinh doanh của 88GO không phải là mô hình ra đời sớm nhất, thế nhưng 88GO sẽ là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phục vụ thị trường vận tải đường dài", anh Nguyễn Thanh Tùng, nhà sáng lập 88GO chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Tùng khẳng định hiện tại chưa doanh nghiệp nào có thể khai thác triệt để thị trường xe tuyến dài. Một số ứng dụng chỉ hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể, trong khi một số ứng dụng khác đã ngừng hoạt động.
Sự khác biệt với các đối thủ trên thị trường
Nhận định sự khác biệt của 88GO với VATO hay vexere, anh Tùng chỉ ra rằng cách tính giá như của các ứng dụng trên thị trường đang là một rào cản với người lái xe, đối tác. Do đó, về mức giá 88GO đã tạo ra sự khác biệt.
Hiện tại các hãng gọi xe nói chung đều tự xác định mức giá mà khách phải trả thông qua công nghệ định vị tích hợp trong ứng dụng. Theo nhà sáng lập 88GO, đây là một cách tính không hợp lí với đặc thù xe tuyến dài. Giá cả của 88GO sẽ do bên đối tác (chủ sở hữu xe) quyết định. Công ty sẽ hoạt động đúng nghĩa với mục đích kết nối các bên.
Dù không tự quyết định mức giá, nhưng 88GO vẫn cam kết sẽ có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn 20-40% so với mức giá hiện hành trên thị trường.
Các dịch vụ hiện hành của 88GO bao gồm xe du lịch, xe đi chung, xe sân bay và xe liên tỉnh. Ảnh: 88GO
Ngoài ra, khách hàng có thể đặt một lúc nhiều xe với kích cỡ, chủng loại hoàn toàn khác nhau trên hệ thống. Theo anh Tùng, đây là điểm khác biệt lớn giữa công ty và các đối thủ cạnh tranh.
Về mặt kĩ thuật, nhóm sáng lập 88GO khẳng định đây là một ứng dụng hoàn toàn minh bạch, đặc biệt về giá cả với các tính năng "nhận chuyến", "đấu giá", "trả giá". 88GO cam kết với các nhà cung cấp sẽ tạo ra cơ chế, chính sách giúp cạnh tranh công bằng giữa các đối tác.
Không lạm dụng khuyến mại
Mới ra mắt từ tháng 7/2019, nhưng chỉ một tuần sau, 88GO đã có hơn 1.000 người dùng với hơn 300 giao dịch.
Hiện tại, ứng dụng đã thu hút 1.000 đối tác nhà xe, công ty vận tải, chủ yếu hoat động ở thị trường miền Bắc. Với thành quả đó, anh Tùng tự tin rằng doanh thu của 88GO hoàn toàn có thể bù đắp chi phí vận hành của công ty.
Ngoài ra, nhà sáng lập 88GO còn khẳng định dù có những chương trình khuyến mại, nhưng đây sẽ không phải là yếu tố quyết định để xây dựng hệ sinh thái, lôi kéo thêm nhiều khách hàng và đối tác sử dụng ựng dụng.
"Rất nhiều vấn đề đang tồn tại trong dịch vụ vận tải khách đường dài. Với 88GO mỗi đối tác đều có một hệ thống quản lí tài chính của họ. Chúng tôi nói không chấp nhận nợ nần. Đổi lại các đối tác được thương lượng mức giá họ mong muốn. Đây sẽ là một lợi ích cho các đối tác", anh Tùng nhấn mạnh.