Tuyển tài xế theo mô hình đa cấp, ứng dụng gọi xe ZuumViet đang hành động trái cam kết?
Ứng dụng gọi xe mới trên thị trường
Hồi tháng 11/2019, giới truyền thông đưa tin một hãng gọi xe mới nhảy vào thị trường vốn đã quá chật chội với những cái tên như Grab, Go-Viet hay Be. Ứng dụng sẽ mang tên ZuumViet và lấy màu tím làm màu chủ đạo.
Theo thông tin ban đầu, ZuumViet sẽ bao gồm những dịch vụ ZuumBike, ZuumCar (4 bánh, 7 bánh) và ZuumLux (dịch vụ gọi xe ô tô sang). ZuumViet tuyên bố họ là ứng dụng Việt do 100% chuyên gia Việt tạo ra. Công ty cũng khẳng định đây là ứng dụng mang công nghệ Việt Nam.
Fanpage chính thức của công ty thông báo ngày 5/12 ZuumViet mới bắt đầu cho phép khách hàng tải ứng dụng của công y để đặt xe. Hiện tại, công ty mới đưa ứng dụng cho tài xế trên hệ điều hành Android. Các tài xế sử dụng iOS sẽ phải đợi đến tháng 1/2019 mới có thể tải và sử dụng.
Sáng 2/12, ZuumViet bắt đầu mở lớp đào tạo cho các tài xế tại TP HCM.
Sáng 2/12, ZuumViet đã tổ chức buổi đào tạo và kích hoạt tài khoản cho các tài xế đăng kí, đồng thời thông báo những chính sách mới cho tài xế.
Cách phát triển hệ sinh thái của ZuumViet đang có phần tương đối khác biệt. Các hãng gọi xe ban đầu tập trung vào việc khuyến mãi để thu hút khách hàng. Trong khi đó, ZuumViet lại hướng tới việc xây dựng cộng đồng tài xế nhiều hơn.
Ngoài cơ chế thưởng theo cuốc và tích điểm ở các hãng gọi xe trên thị trường, ZuumViet hiện công bố mức thưởng theo giờ làm việc. Cụ thể, một tài xế bật ứng dụng liên tục 8 tiếng/ngày làm việc và sử dụng chế độ tự động nhận chuyến, sẽ nhận thưởng 100.000 đồng bất kể trong khoảng thời gian 8 tiếng đó tài xế nhận khách hay không.
Chính sách thưởng của ZuumViet chỉ rõ lộ trình thăng tiến nếu xây dựng được đội ngũ tài xế cấp dưới đông đảo.
Không những vậy, tài xế giới thiệu các đối tác vào sau cũng hưởng 1% phí chiết khấu từ doanh thu của tài xế cấp dưới. Chính sách ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi: ZuumViet có phải là một mô hình đa cấp mới?
ZuumViet có phải đa cấp?
Với định nghĩa của Bộ Công Thương, đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối hưởng hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.
Hầu hết các bài viết trong nhóm của ZuumViet đều là của các đối tác mong muốn tuyển đối tác cấp dưới bằng hình thức nhập mã giới thiệu.
Ở đây, những tài xế thực hiện cuốc xe là người trực tiếp bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Những tài xế cấp cao hơn sẽ hưởng một phần (1%) chiết khấu từ việc các tài xế cấp dưới cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách.
Cũng theo Bộ Công Thương, dấu hiệu một doanh nghiệp bán hàng đa cấp không đáng tin cậy bao gồm: Chỉ tập trung vào tuyển dụng, buộc người tham gia đóng tiền, hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn, sản phẩm không tốt và không chú trọng khách hàng, tiêu thụ sản phẩm.
Dường như ZuumViet chú trọng vào việc tuyển dụng tài xế nhiều hơn bằng cách đưa ra lộ trình thăng cấp cho các tài xế giới thiệu nhiều đối tác mới. Công ty còn hứa hẹn kí hợp đồng chính thức với những tài xế có mạng lưới những tài xế cấp dưới đông đảo.
Ngoài ra, sau giai đoạn thử nghiệm, những tài xế muốn tham gia sẽ phải đóng một số tiền để mua đồng phục của công ty.
Một đối tác ZuumViet chia sẻ về hệ thống tài xế cấp dưới.
Giải đáp về việc không tặng mà bán đồng phục cho đối tác, ZuumViet chỉ ra rằng có tới 30%-40% tài xế nhận đồng phục nhưng không nhận chuyến. Do đó việc bán đồng phục cho tài xế chính là để đảm bảo quyền lợi của các đối tác chân chính.
Hiện tại, ứng dụng của ZuumViet dành cho khách vẫn chưa ra mắt nên người dùng chưa thể đánh giá cụ thể về chất lượng cũng như những chính sách ưu đãi dành cho khách hàng.