Forbes đánh giá 2019 là năm của nhượng quyền thương mại
Nếu bạn có đam mê kinh doanh mà vẫn chưa xác định rõ nên bắt đầu từ đâu thì mua nhượng quyền chính là một trong những gợi ý của Tạp chí Forbes. Trên thực tế, Guidant Financial trong báo cáo khảo sát xu thế kinh doanh của mình đã gọi tên 2019 là "Năm của nhượng quyền thương mại".
Nhượng quyền thương mại trong thời hiện đại
Khảo sát của Guidant Financial cho thấy, 62% số người mua nhượng quyền thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em (có năm sinh trong giai đoạn 1947-1961). Trong khi đó thế hệ X (sinh từ năm 1965-1980) chiếm khoảng 30%. Chỉ có 8% trong số khảo sát thuộc thế hệ Y (năm sinh nằm trong khoảng 1981-1996).
Một trong những nguyên nhân khiến những người trẻ không tham gia nhượng quyền thương mại chính là vì không có đủ số tiền để đầu tư mua lại quyền sử dụng thương hiệu.
Thế hệ X và thế hệ Y chưa tham gia sâu vào nhượng quyền thương mại. Ảnh: Forbes
Ngoài ra, chủ sở hữu thương hiệu sẽ yêu cầu người mua có một số vốn tối thiểu nào đó để khởi nghiệp. Đây cũng là rào cản cho những người thuộc thế hệ Y, và có thể là thế hệ Z trong tương lai. Theo Forbes, để kinh doanh nhượng quyền cần sở hữu vốn ban đầu 50.000 USD.
Ở chiều ngược lại, thống kê chỉ ra rằng chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền có một đặc điểm đặc biệt, đó chính là có học vấn cao hơn mức trung bình so với các chủ doanh nghiệp nhỏ.
85% chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền có bằng cấp cao: 47% sở hữu bằng cử nhân, 25% có bằng thạc sĩ và 11% có bằng liên kết. Tất nhiên, phần còn lại 15% vẫn đang làm tốt với tấm bằng trung học.
Vay vốn để mua nhượng quyền
Thông thường các công ty khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đến nguồn vốn. Ngay kể cả vốn vay từ ngân hàng cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên với các trường hợp vay vốn để mua nhượng quyền lại khác.
Các thương hiệu đã sẵn sàng nhượng là các thương hiệu đã được chứng minh. Do đó các công ty cung cấp dịch vụ tài chính sẽ phần nào yên tâm hơn khi giải ngân.
Trên thực tế, số doanh nghiệp mua nhượng quyền coi việc vay vốn là một khó khăn ít hơn 28% so với các doanh nghiệp thông thường, theo Guidant.
Nhượng quyền thương mại sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn so với các startup khác. Ảnh: Forbes
Ngoài ra, nên tận dụng những chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thống kê, số các đơn vị mua nhượng quyền đã sử dụng gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng thêm 26% so với năm ngoái.
Những ngành nhượng quyền phổ biến
Theo thống kê, những ngành có số đơn vị nhượng quyền nhiều nhất bao gồm
1. Sức khỏe, làm đẹp, thể hình
2. Thực phẩm và nhà hàng
3. Dịch vụ và marketing
4. Bán lẻ
5. Dịch vụ tại nhà (giúp việc hoặc chăm sóc người già)
Thách thức với người kinh doanh nhượng quyền
Tới 21% các chủ doanh nghiệp mua nhượng quyền nhận định rằng giữ chân nhân tài là khó khăn lớn hàng đầu. Tỉ lệ này đã tăng gấp 3 từ 7% vào năm ngoái. Ngoài ra, 16% các đơn vị nhượng quyền gặp khó khăn với quảng cáo và marketing, Trong khi đó 12% đang phải vật lộn với quản lí thời gian và công tác hành chính.
Số tiền bỏ ra để mua nhượng quyền cũng đang có xu hướng tăng lên. 68% tiết lộ rằng để khởi nghiệp nhượng quyền họ cần bỏ ít nhất 100.000 USD để bắt đầu khởi nghiệp, tăng 15% so với năm 2018.