|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 lí do khiến startup dễ thất bại hơn công ty nhượng quyền thương mại

13:57 | 13/10/2019
Chia sẻ
Khi chọn lựa khởi nghiệp, các doanh nhân sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn so với đầu tư vào một doanh nhiệp nhượng quyền.

Quyết định mở một doanh nghiệp chỉ là quyết định đầu tiên trong nhiều quyết định mà một doanh nhân phải đưa ra để có thể sở hữu một doanh nghiệp nhỏ. 

Trong hầu hết các hoạt động kinh doanh, việc đánh giá mức độ rủi ro mà họ có thể chấp nhận để thu được lợi nhuận là môt qui trình không thể thiếu.

Trong giai đoạn đầu của hoạt động kinh doanh, họ sẽ cần xem xét liệu họ muốn gây dựng một doanh nghiệp mới hay mua nhượng quyền thương mại. Cả hai đều mang lại lợi nhuận nhưng việc lựa chọn hình thức kinh doanh nào sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính cách của từng doanh nhân. 

Những doanh nhân nam muốn có toàn quyền đưa ra quyết định trong cách thức vận hành hoạt động kinh doanh sẽ có xu hướng chọn lựa khởi nghiệp. 

Bên cạnh đó, những doanh nhân nữ với khao khát biến ước mơ của họ thành dự án lan rộng trên toàn cầu với trị giá hằng tỉ USD cũng sẽ nghiêng về lựa chọn khởi nghiệp.

doanh nhan 4

Nếu mua lại thương hiệu, bạn sẽ không gặp quá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, dù cho trước đây bạn chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực mà doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động. Ảnh: eventbrite.com

Tuy nhiên, khi chọn lựa khởi nghiệp, các doanh nhân sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn so với đầu tư vào một doanh nhiệp nhượng quyền. Sau đây sẽ là một số phân tích so sánh giúp bạn hiểu rõ những khó khăn mình sẽ phải trải qua khi quyết định khởi nghiệp.

Phải xây dựng thương hiệu riêng khi khởi nghiệp

Việc xây dựng nhận diện thương hiệu thực sự khó khăn và tốn thời gian, bạn sẽ thường mất nhiều năm để thiết lập nó. Hầu hết các chủ doanh nghiệp thiếu thời gian và nguồn lực để dành ra nhiều năm xây dựng thương hiệu mới từ đầu, do đó họ không thể phát triển tiếng tăm của thương hiệu vượt ra ngoài vòng ảnh hưởng của mình ngay lập tức hoặc thậm chí gặp thất bại.

Dù mới nổi hay được thành lập lâu năm, các doanh nghiệp nhượng quyền đều đi kèm với thương hiệu đã được xây dựng bao lâu nay, bao gồm logo, khẩu hiệu, bảng hiệu, danh tiếng, trang phục nhân viên và nhiều thứ khác. 

Vì vậy, nếu mua lại thương hiệu, bạn sẽ không gặp quá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, dù cho trước đây bạn chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực mà doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động.

Không tránh khỏi việc mắc sai lầm khi khởi nghiệp

Dù bạn có người chú đang là chủ sở hữu một doanh nghiệp, ông ấy luôn sẵn sàng tư vấn và đưa ra lời khuyên trong hoạt động kinh doanh nhưng chỉ có bạn mới chốt được quyết định cuối cùng cho doanh nghiệp của mình. 

Bạn sẽ không thể chắc chắn được quyết định nào của mình là đúng đắn và sai lầm. Hi vọng rằng bạn sẽ chọn lựa được chiến lược đúng đắn nhưng với những quyết định sai lầm thì bạn sẽ phải chịu thiệt hại không hề nhỏ. 

Doanh nghiệp nhượng quyền thì khác, họ đã phạm sai lầm, học hỏi từ những vấp ngã và dạy cho chủ sở hữu nhượng quyền cách thức điều hành công việc hiệu quả nhất.

Hoạt động không có mạng lưới hỗ trợ khi khởi nghiệp

Hệ thống hỗ trợ rất quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp vì ngay cả những công ty tốt nhất cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, bạn phải dựa vào chính mình để tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề và phục hồi tình hình kinh doanh nếu chọn lựa khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp nhượng quyền tự hào cung cấp sự hỗ trợ tuyệt vời cho những nhà đầu tư mua nhượng quyền của họ. Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ không ngừng từ các nhóm công ty, giám đốc khu vực cùng nhiều hướng dẫn khác. Những người đi trước sẽ hướng dẫn và giúp bạn vượt qua mọi khó khăn gặp phải trong kinh doanh.

Đau đầu khi phải cố gắng đảm bảo tài chính cho khởi nghiệp

Chủ sở hữu khởi nghiệp phải tự làm tất cả các công việc để đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp của họ. Họ phải đề ra kế hoạch kinh doanh của riêng mình, sau đó trình bán tưởng của mình cho gia đình, bạn bè hoặc ngân hàng địa phương để nhận được tài trợ. Hơn thế nữa, hầu hết các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp hiếm khi biết rõ được họ sẽ cần bao nhiêu tiền để khởi động kinh doanh và cần bao nhiêu vốn để tồn tại trong những năm đầu hoạt động.

Doanh nghiệp nhượng quyền sẽ giúp các đối tác xây dựng kế hoạch kinh doanh, thường có thể hỗ trợ tài chính và chỉ rõ cho các đối tác biết họ cần chính xác bao nhiêu vốn để trở thành chủ sở hữu nhượng quyền.

Tài nguyên để hoạt động

Bất kể chọn lựa hình thức kinh doanh nào, bạn sẽ cần nhà cung cấp để vận hành doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ nhất cũng thường yêu cầu được hỗ trợ về trang website, văn phòng phẩm, pháp lí, tài chính và tiếp thị. 

Khi quyết đinh mở một của hàng, chủ đầu tư phải tự mình giải quyết các vấn đề về lưu thông hàng hóa, vật tư công nghiệp, bảng hiệu đi kèm nhiều công việc khác. 

Các doanh nghiệp nhượng quyền sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề trên bằng cách cung cấp cho bạn các giải pháp phù hợp hoặc tư vấn cho bạn những đối tác hữu ích. Hơn thế nữa, do qui mô hoạt động lớn, các doanh nghiệp nhượng quyền thường có thể bảo đảm cung cấp đủ sản phẩm và dịch vụ cho đối tác mua nhượng quyền của họ với mức chiết khấu cao.

Cần có khiến thức vận hành doanh nghiệp nếu muốn khởi nghiệp thành công

Nhiều doanh nghiệp phá sản vì chủ doanh nghiệp chỉ biết lao vào làm việc mà không đủ kinh nghiệm trong khâu quản lí và điều hành nhân sự. 

Bạn có thể thích làm việc với những chiếc xe ô tô nhưng nếu không biết chọn vị trí phù hợp, thuê, đào tạo và quản lí nhân viên, xử lý tiếp thị và kết toán sổ sách thì mơ ước trở thành chủ sở hữu một doanh nghiệp chuyên bảo dưỡng xe ô tô của bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

Các doanh nghiệp nhượng quyền thường không yêu cầu đối tác của mình phải có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong vận hành kinh doanh vì họ đã có sẵn hệ thống để các đối tác tuân theo. 

Họ giải thích rõ ràng loại kĩ năng nào mà mỗi đối tác cần có để thành công với tư cách là chủ sở hữu nhượng quyền.

Không có gì trong số những phân tích trên đảm bảo tuyệt đối cho việc các doanh nghiệp nhượng quyền không gặp rủi ro trong hoạt đông kinh doanh. 

Dù bạn đang đầu tư vào một cơ hội khởi nghiệp hay kinh doanh nhượng quyền thì không có gì đảm bảo 100% rằng bạn sẽ thành công. 

Tuy nhiên, đối với những doanh nhân khao khát mở một doanh nghiệp nhỏ nhưng thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm trong quản lí, họ nên xem xét tới kế hoạch đầu tư vào một doanh nghiệp nhượng quyền thương mại để giảm thiểu rủi ro cũng như tích lũy dần kinh nghiệm trước khi gây dựng một doanh nghiệp độc lập của riêng họ.

Ngọc Anh