Nhượng quyền thương hiệu - Tin tức, thông tin mới nhất
Nhượng quyền thương hiệu là việc cho phép một tổ chức, cá nhân kinh doanh hang hoá hay dịch vụ theo hình thức, phương pháp kinh doanh bao gồm thương hiệu, công nghệ, cách thức quản lý của bên nhượng quyền tại một điểm, khu vực trong một khoảng thời hạn nhất định với một khoản chi phí hay phần trăm doanh thu, lợi nhuận.
Bên nhượng quyền phải đảm bảo rằng họ sẽ cung cấp đúng, đủ và phải hỗ trợ bên nhận nhượng quyền, còn bên nhận nhượng quyền có nghĩa vụ thực hiện đúng mô hình, cách thức, quy trình kinh doanh của bên nhượng quyền.
Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương hiệu
Tại Việt Nam hiện nay thì hợp đồng nhượng quyền thương hiệu bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Nội dung của quyền thương mại; quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền; quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền; giá cả, phí nhượng quyền định kỳ, phương thức thanh toán.
Thực trạng nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam
Với hơn 93 triệu dân, Việt Nam là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia) với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ của Việt Nam có thể đạt gần 180 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, số lượng thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam tăng dần. Từ năm 2007 đến hết 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ẩm thực, thời trang, giáo dục đào tạo, cửa hàng tiện lợi.
Những thương hiệu lớn đã nhượng quyền gồm McDonald's, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (Mỹ), Pizza Hut, Pepper Lunch, Burger King, (Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen's (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London, (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi, (Italia).
Một số chuỗi ẩm thực như Lotteria, KFC… đã có hàng trăm cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có 17 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với những thương hiệu như: JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên sản phẩm đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - cửa hàng bán giày và quần áo thể thao nhãn hiệu Puma); Factory Japan Group (Nhật Bản - chuyên dịch vụ xoa bóp, massage).
Với chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư kinh doanh, Việt Nam luôn thúc đẩy các nhãn hiệu ngoại tìm đến gia nhập thị trường.
Xu hướng các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, trong đó chủ yếu theo hình thức nhượng quyền. Đến nay, hàng trăm thương hiệu đã nhượng quyền ở Việt Nam, chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng. Bộ Công Thương thống kê Việt Nam mới có 3 doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài gồm CTCP SX TM-DV Phở hai mươi bốn (Nhà hàng phở 24); công ty TM - DV Đức Triều (kinh doanh giày dép da, túi xách thương hiệu T&T); Công ty TNHH Vũ Giang (cửa hàng cà phê Bobby Brewers).