|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam vẫn mạnh mẽ

07:23 | 30/10/2019
Chia sẻ
Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho hình thức nhượng quyền thương hiệu phát triển, với sự tham gia mạnh mẽ của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu của nhượng quyền

Với hơn 93 triệu dân, Việt Nam là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia) với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm. Theo dự báo, doanh thu bán lẻ của Việt Nam có thể đạt gần 180 tỷ USD vào năm 2020.

Xu hướng các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, trong đó chủ yếu theo hình thức nhượng quyền. Đến nay, hàng trăm thương hiệu đã nhượng quyền ở Việt Nam, chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng.

Bộ Công Thương thống kê Việt Nam mới có 3 doanh nghiệp nhượng quyền thương mại ra nước ngoài gồm CTCP SX TM-DV Phở hai mươi bốn (Nhà hàng phở 24); công ty TM - DV Đức Triều (kinh doanh giày dép da, túi xách thương hiệu T&T); Công ty TNHH Vũ Giang (cửa hàng cà phê Bobby Brewers). 

0dc98e705da2bbfce2b3

Nhượng quyền thương hiệu phổ biến trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thực phẩm, đồ uống...Ảnh: NH.

Trong khi đó các thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Từ năm 2007 đến hết 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ẩm thực, thời trang, giáo dục đào tạo, cửa hàng tiện lợi… 

Những thương hiệu lớn đã nhượng quyền gồm McDonald's, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (Mỹ), Pizza Hut, Pepper Lunch, Burger King, (Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen's (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London, (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi, (Italia).

Một số chuỗi ẩm thực như Lotteria, KFC… đã có hàng trăm cửa hàng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam.

Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có 17 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với những thương hiệu như: JYSK A/S (Đan Mạch - chuyên sản phẩm đồ gia dụng, trang trí); Puma SE (Đức - cửa hàng bán giày và quần áo thể thao nhãn hiệu Puma); Factory Japan Group (Nhật Bản - chuyên dịch vụ xoa bóp, massage).

Với chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư kinh doanh, Việt Nam luôn thúc đẩy các nhãn hiệu ngoại tìm đến gia nhập thị trường. 

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia cho rằng: "Việt Nam hiện đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu". 

Bên cạnh các lĩnh vực tiềm năng như thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp, chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi, nhiều mô hình kinh doanh mới cũng dần xuất hiện tại thị trường Việt từ sản xuất đến các dịch vụ, đào tạo, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép, thời trang.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Theo bà Vân, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực.

"Tất cả những việc gì mà cá nhân bạn, gia đình bạn, công ty bạn không thích làm, từ rửa chén, lau nhà đến quản lí nhân sự, báo cáo thuế, vệ sinh trong văn phòng, bảo trì máy móc trong công ty… đều có thể biến thành dịch vụ. Mà đã là dịch vụ thì đều có thể nhượng quyền, do đó đừng nên đóng khung nhượng quyền là phải có cửa hàng, chi nhánh hay phòng khám", bà Nguyễn Phi Vân nhận định.

Với xu hướng này, việc tìm hiểu để biết rõ hơn về thị trường thông qua các hội thảo, triển lãm chuyên về nhượng quyền là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt. 

Chẳng hạn với chuỗi hoạt động hội thảo, doanh nghiệp có thể tham gia các buổi giới thiệu về xu hướng nhượng quyền cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia để thực hiện nhượng quyền ở Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu về nhượng quyền qua triển lãm, điển hình như Triển lãm quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu (VIETRF 2019) sẽ diễn ra từ ngày 31/10 – 2/11 tại TP HCM, là một địa điểm để các chủ doanh nghiệp, cửa hàng có thể tìm được giải pháp tối ưu cho việc mở rộng qui mô thương hiệu, tiến tới nhượng quyền.

"Việt Nam là một nước có dân số đông nên nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và đây là cơ hội tốt để có những thương vụ nhượng quyền. Thực tế này cũng thể hiện khá rõ khi số lượng những doanh nghiệp nước ngoài đến tham gia các hội chợ, triển lãm khá đông", bà Vân cho hay.

9e97942c47fea1a0f8ef

Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhượng quyền trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: NH.

Cụ thể, theo đơn vị tổ chức VIETRF 2019, triển lãm năm nay qui tụ rất nhiều thương hiệu nhượng quyền, trong đó có 20 thương hiệu Hàn Quốc, 10 thương hiệu Singapore, 50 thương hiệu Đài Loan, 10 thương hiệu Nhật Bản… 

Đặc biệt, VIETRF 2019 còn thu hút những chủ sở hữu mô hình nhượng quyền đang tìm kiếm đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhượng quyền... trong các lĩnh vực như thực phẩm - đồ uống, sức khỏe - sắc đẹp, thời trang, bán lẻ - kinh doanh dịch vụ…

Và điểm nổi bật của VIETRF 2019 là Chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/7 đến từ Hàn Quốc - GS25 sẽ lần đầu tiên ra mắt mô hình nhượng quyền tại Việt Nam hay E Coffee - Mô hình nhượng quyền linh hoạt thuộc Trung Nguyên cũng sẽ được giới thiệu…

Theo bà Nguyễn Phi Vân hiện nay trên 90% mô hình nhượng quyền ở Việt Nam đang vận hành theo cách truyền thống chứ chưa áp dụng công nghệ số.

Do đó, trong điều kiện kinh doanh hiện tại, bà Vân cho rằng doanh nghiệp muốn thực hiện nhượng quyền nên thay đổi góc nhìn, đưa công nghệ vào vận hành để không bị thị trường đào thải. 

Ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Do vậy, việc thay đổi để theo kịp xu thế cũng là chuyện cần làm ngay trong thời điểm này, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia chia sẻ.

Như Huỳnh