|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Qua thời trà sữa?

15:19 | 06/11/2019
Chia sẻ
“Ngôi sao F&B” trà sữa đang có dấu hiệu chững lại khi nhiều thương hiệu rời cuộc chơi.
tra-sua

Ảnh: baodautu.vn

Vẫn kinh doanh trà sữa nhưng chị Thu Hằng đang sửa lại căn nhà mặt tiền ở Gò Vấp để qua năm mở quán trái cây. “Trà sữa sắp hết thời, lời không nhiều vì thị phần ngày càng chia nhỏ”, chị Hằng cho biết.

“Nhiều quán trà sữa thấy đông khách nhưng thực tế là do khuyến mãi, trong khi muốn làm nguyên liệu tốt thì chi phí nguyên liệu nhiều, cộng thêm chi phí mặt bằng cao nữa là gần như không có lời”, chị Hằng chia sẻ. 

Bắt đầu nhượng quyền quán trà sữa từ thương hiệu Hàn Quốc năm 2017, cộng thêm chi phí đầu tư mặt bằng gần 1 tỉ đồng, nhưng chỉ sau 3 năm, thị trường đang trên đà xuống dốc.

Qua thời trà sữa? - Ảnh 2.

Theo một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới và dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Tức là tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm. 

Thị trường trà sữa cũng cho thấy khoảng 20 thương hiệu từ lớn đến nhỏ đang giành nhau miếng bánh thị phần vốn đang thu hẹp.

Cách đây 3 năm, trà sữa được xem là lĩnh vực kinh doanh nóng nhất của mảng F&B với hàng loạt thương hiệu như KOI Thé, Gong Cha, Royal Tea, Ten Ren, The Alley, TocoToco hay Bobapop... Tính chung, cả nước có hơn 1.500 cửa hàng trà sữa với khoảng 100 thương hiệu cạnh tranh.

Thế nhưng, cơn sốt này đang có vẻ nguội dần trước sự ra đi của nhiều tên tuổi lớn. Hai tháng trước, trà sữa Ten Ren của The Coffee House cũng ngừng kinh doanh. 

Trước đó, Ten Ren từng tham vọng đầu tư 100 tỉ đồng để đạt mục tiêu 30-40 cửa hàng trong năm 2018. Còn TP Tea từ lúc ra đời đến khi phá sản đều không để lại ấn tượng gì trong giới trà sữa và người tiêu dùng.

Hiện mô hình trà sữa khá đa dạng, từ mô hình nhỏ trà sữa mang đi với vốn đầu tư vài chục triệu đồng đến những quán có tên tuổi với quy mô vốn đầu tư từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. 

Thị trường trà sữa chia theo nhiều cấp bậc, từ mô hình lớn với quy mô 150 cửa hàng đến mô hình khoảng 50-100 cửa hàng và mô hình nhỏ hơn chỉ khoảng 20 cửa hàng trở xuống. 

Trong cuộc cạnh tranh trà sữa, nhiều thương hiệu là do chủ người Việt đầu tư làm thương hiệu, nhiều thương hiệu nhượng quyền tại Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và mô hình trà sữa tự phát, trà sữa nhà làm.

Qua thời trà sữa? - Ảnh 3.

Trong đó, mô hình nhượng quyền và đầu tư xây dựng thương hiệu là chịu vốn lớn nhượng quyền. Mô hình trà sữa trong nước có phí nhượng quyền từ 300-500 triệu đồng; còn các thương hiệu lớn mang tính khu vực có giá 1-5 tỉ đồng. 

Chia sẻ trung bình một ngày bán khoảng vài chục ly trà sữa, những ngày lễ Tết thì cao hơn khoảng 100-150 ly, nhưng cộng chi phí mặt bằng trung bình khoảng từ 30-50 triệu đồng/tháng, lương nhân viên, chi phí nguyên liệu... thì nhiều quán trà sữa lời ít, thậm chí lỗ.

Quan sát thị trường cho thấy, nhóm các thương hiệu trà sữa nhượng quyền từ Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc đang gặp khó khăn vì áp lực điều kiện kinh doanh và chi phí nhượng quyền cao.

Trong khi đó, nhóm chiếm thị phần khoảng 20 cửa hàng trên toàn quốc mặc dù có nhiều thương hiệu tên tuổi nhưng vẫn không bứt phá được trong việc mở rộng chuỗi. Những thương hiệu lớn còn mắc kẹt vì giá bán khá cao so với mặt bằng chung nên hạn chế người tiêu dùng.

Mặt bằng vẫn là gánh nặng đối với các cửa hàng trà sữa. Bài toán mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng trong ngành F&B. Phúc Long, một thương hiệu khá nổi tiếng, từng phải đóng 2 cửa hàng đắc địa ở TP.HCM mới đây. 

Theo chị Hằng, nếu không khuyến mãi, các cửa hàng trà sữa sẽ khá vắng khách vì hiện nay nhiều thương hiệu trà sữa lớn liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi để lôi kéo khách như giảm giá hoặc mua 1 tặng 1.

Qua thời trà sữa? - Ảnh 4.

Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi nhiều thương hiệu trong lĩnh vực ẩm thực như KFC, các nhà hàng Thái, Nhật, Hàn, thậm chí các quán ăn Việt như bún phở... cũng đưa món trà sữa vào thực đơn. 

Ngoài ra, sự bùng nổ của dịch vụ giao thức ăn nhanh như GrabFood, Go-Food dẫn tới việc nhiều khách hàng chuyển từ đến quán uống trà sữa sang đặt hàng trên các ứng dụng này. 

Trong khi đó, GrabFood và Go-Food... lại liên kết với nhiều quán trà sữa lớn để có những dịch vụ khuyến mãi giảm giá nên nhiều quán trà sữa bị giảm lượng khách hàng trực tiếp.

Theo số liệu mới nhất về hành vi tiêu dùng bên ngoài của Kantar Worldpanel, trong 6 tháng đầu năm nay ở TP.HCM, trà sữa vẫn là thức uống được giới trẻ chọn mua nhiều nhất chỉ sau cà phê. 

Mặc dù vậy, theo xu hướng ăn uống của giới trẻ hiện nay, thế hệ Z luôn tìm kiếm những điều mới lạ nên có xu hướng thay đổi các điểm ăn uống, vui chơi... 

Với đà sụt giảm của doanh thu và cạnh tranh ngày càng gay gắt, thị trường một thời vang bóng này chắc chắn sẽ tiếp tục thanh lọc về số lượng hoặc buộc phải có những mô hình và ý tưởng táo bạo, mới mẻ hơn.