Động lực nào thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2018
Tăng vốn ngân hàng: Lên kế hoạch nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu | |
[Infographic] Toàn cảnh tăng trưởng thần tốc lợi nhuận 25 ngân hàng trong quý I/2018 |
6 tháng đầu năm 2018 chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng của các ngân hàng. Theo khảo sát từ 23 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của các ngân hàng khoảng 53%, mức tăng trưởng đáng mơ ước của bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào.
Trong đó, thu nhập từ lãi thuần tiếp tục là động lực tăng lợi nhuận chính, cùng với đó là tăng trưởng của các hoạt động khác ngoài lãi (dịch vụ, kinh doanh chứng khoán,...) hay việc giảm chi phí dự phòng.
Cơ cấu thu nhập của 23 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 (đơn vị: %) (Nguồn: QT tổng hợp) |
Thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng lợi nhuận chính
6 tháng đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng chiếm khoảng 76% tổng thu nhập hoạt động, con số này của cùng kỳ năm trước là hơn 78,5%.
Mặc dù đã có dấu hiệu giảm xuống nhưng với tỷ trọng đóng góp vẫn ở mức cao, thu nhập từ lãi vẫn đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng lợi nhuận hệ thống ngân hàng.
Thu nhập lãi thuần của 23 ngân hàng được khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2018. (Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: QT tổng hợp) |
Thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong khảo sát tăng trưởng khoảng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,35% thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,54%). Như vậy, mức tăng của thu nhập từ lãi cao hơn tốc độ tăng của tín dụng.
Một trong những nguyên nhân có thể do sự tăng lên trong khả năng sinh lời của các khoản vay. Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hầu hết ngân hàng trong nửa đầu năm đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, NIM của BIDV tăng từ 2,9% lên 3,02%; hay ACB tăng từ 3,28% lên 3,46%; HDBank tăng từ 1,95% lên 2,64%,...
Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, sự tăng lên của NIM là điều không quá bất ngờ trong bối cảnh từ "ông lớn" đến những ngân hàng "hạt tiêu" đều đang cho thấy xu hướng dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang mảng bán lẻ. Bởi biên lợi nhuận của các khoản vay nhỏ thường hấp dẫn hơn, rủi ro được phân tán ra nhiều khách hàng hơn so với khoản vay lớn.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh
Tại một số ngân hàng nhỏ và vừa, thu nhập từ dịch vụ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như HDBank, lợi nhuận thuần mảng dịch vụ tăng 170%; TPBank tăng gần 210%, LienVietPostBank tăng 145%; Viet Capital Bank tăng tới 545%.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đóng góp 8,5% tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng của mảng này đạt đến 29%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018. (Đơn vị: Tỷ đồng, Nguồn: QT tổng hợp) |
Theo phân tích các công ty chứng khoán, sự tăng trưởng nhanh của mảng dịch vụ ngân hàng phần lớn đến từ khởi sắc của hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm.
Đơn cử như HDSaison - công ty con của HDBank mới bắt đầu bán chéo các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng từ quý IV/2017, nhưng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh với tỷ trọng đóng góp của các khoản này vào tổng thu nhập hoạt động tăng từ 2% lên 13,3%, theo HSC.
Thu nhập thuần từ kinh doanh bảo hiểm của MBBank cũng tăng đến 120% và chiếm 41,2% tổng thu nhập thuần từ dịch vụ (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ chiếm 28%) từ đó giúp tổng thu từ hoạt động dịch vụ tăng gấp rưỡi lên gần 1.000 tỷ đồng.
Cùng với tăng trưởng hoạt động bán chéo bảo hiểm, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, tư vấn tài chính tiếp tục tăng trưởng và đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh ngân hàng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sự tăng nhanh các khoản thu hoạt động dịch vụ cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. Bởi các khoản thu này ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng.
Hơn nữa, sự tăng trưởng của mảng này cho thấy xu hướng tối ưu hóa các kênh bán hàng, giúp ngân hàng tăng khả năng sinh lời của tài sản.
Lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh tăng nhanh
Trong 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận thu về từ chứng khoán kinh doanh của các ngân hàng khảo sát tăng khá cao gần 180%, giúp nâng tỷ trọng của các khoản thu nhập từ bộ phận tài sản này lên mức 2,2% so với mức 1% của cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu thu nhập của 23 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2017 (Đơn vị: % , nguồn: QT tổng hợp) |
Trong đó, tại nhiều ngân hàng, lợi nhuận thuần từ mảng kinh doanh này còn gấp từ vài lần đến hàng chục lần năm trước. Điển hình như trường hợp BIDV, trong 6 tháng đầu năm, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh của nhà băng này đạt hơn 685 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ. Hay như Vietcombank tốc độ tăng trưởng lãi từ chứng khoán kinh doanh của "ông lớn" này cũng lên tới 90%.
Đặc biệt, HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh nhanh nhất hệ thống với mức lợi nhuận thu về trong 6 tháng đầu năm nay gấp tới 45 lần năm trước, mang về tới hơn 110 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh tăng nhanh nguyên nhân chính là do mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ đã có dấu hiệu chạm đáy và bắt đầu đi lên, do đó, các ngân hàng đã tranh thu chốt lời các loại trái phiếu đang nắm giữ. Và thực tế, trong 23 ngân hàng được khảo sát, những ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ nhất đều là những ngân hàng tăng lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh nhiều nhất như BIDV, Vietcombank, HDBank và VietinBank.
Tăng lợi nhuận khác nhờ xử lý nợ xấu
Một nguyên nhân khác giúp ngân hàng đạt tăng lợi nhuận mạnh mẽ là những khoản thu nhập bất thường từ việc xử lý nợ xấu.
Đối với các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, khi thu hồi, ngân hàng sẽ được phép hoàn nhập chi phí dự phòng từ đó làm tăng lợi nhuận. Còn đối với đối với các khoản nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, những khoản thu từ các khoản nợ này được ghi nhận vào thu nhập khác của ngân hàng.
Thực tế nửa đầu năm nay, thu nhập khác của 23 ngân hàng tăng đến 72,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 9.700 tỷ đồng và chiếm khoảng 7,4% tổng thu nhập hoạt động (cùng kỳ năm 2017 là 5,5%).
Những ngân hàng hoàn thành tất toán toàn bộ trái phiếu VAM có mức tăng trưởng thu nhập khác nhanh nhất. Cụ thể, ba ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu chuyển đổi với VAMC là Vietcombank, MBBank và ACB đạt tăng trưởng lợi nhuận khác lần lượt 162%, 95% và 73%.