Sự đổ bộ của các ngân hàng ngoại giúp cải thiện ngành Ngân hàng Việt Nam?
Đề xuất về việc phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài | |
Nước ngoài không đi trên... dây! |
Ngân hàng nước ngoài đang ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam (ảnh minh họa) |
Asianbankingandfinance dẫn lời của công ty nghiên cứu Fitch Solutions cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các ngân hàng quốc tế. Những nhân tố ngoại được cho là có thể sẽ phá vỡ được các vấn đề cố hữu của cả hệ thống như sự yếu kém của khung pháp lý, tham nhũng hay sự định hướng, can thiệp trực tiếp của Nhà nước.
Cũng theo trang tin này, hiện tại, đang có khoảng 10 ngân hàng nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam như HSBC Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, CIMB Việt Nam,…Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty 100% vốn nước ngoài thay vì hợp tác liên doanh với những ngân hàng trong nước đang có nhiều vấn đề .
Mặt khác, mặc dù trong 2 năm qua, đã có một số trường hợp các ngân hàng ngoại rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, nhưng Fitch Solutions vẫn tin rằng môi trường hoạt động trong nước vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mới nhất, Malaysia Public Bank đã nhận được sự chấp thuận của NHNN để mở ba chi nhánh và hai văn phòng giao dịch mới tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Cùng với đó, Ngân hàng UOB của Singapore cũng đã thành lập công ty con của mình tại Việt Nam vào tuần trước, sau khi chi nhánh của ngân hàng này được cấp phép hoạt động từ năm 1995.
Không chỉ vậy, các ngân hàng của Hàn Quốc cũng cho thấy gia tăng hoạt động của mình khi WooriBank và ShinHanBank đang đề xuất mở rộng chi nhánh tại Việt Nam với NHNN.
"Sự đổ bộ ồ ạt của dòng vốn từ các ngân hàng nước ngoài thông qua các công ty con sẽ giúp chuyển giao chuyên môn và nâng cao tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam", Fitch Solutions nhận định.
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà các ngân hàng quốc tế phải đối mặt trong kế hoạch mở rộng họat động tại thị trường Việt Nam là quy định về hạn mức tối đa 30% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng. Cùng với đó, một số thông tin gần đây cũng đã cho thấy xu hướng thắt chặt việc cấp giấy phép cho các ngân hàng nước ngoài nhằm hỗ trợ ngành ngân hàng đang suy yếu và khuyến khích các hoạt động mua bán, sáp nhập M&A.