|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng và đối tác ngoại

08:19 | 14/02/2018
Chia sẻ
Với những diễn biến thuận lợi của giá cổ phiếu, chính sách tiền tệ lẫn tiến trình xử lý nợ xấu từ năm 2017 kéo dài sang đầu năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được săn đón và người ta đang nói về sự trở lại “ngôi vua” của dòng cổ phiếu này.
ngan hang va doi tac ngoai Nước ngoài không đi trên... dây!
ngan hang va doi tac ngoai VIB vừa mua lại một chi nhánh một ngân hàng nước ngoài
ngan hang va doi tac ngoai Việt Nam chính thức có thêm ngân hàng 100% vốn ngoại
ngan hang va doi tac ngoai

Đang có sự chuyển giao nhất định trong ngành tài chính giữa những đối tác ngoại với nhau, chẳng hạn Shinhan đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ và Công ty Tài chính Prudential. Ảnh: MAI LƯƠNG

Có một giai đoạn người ta đồn đoán và lo ngại khi thấy một vài ngân hàng nước ngoài chia tay các đối tác Việt Nam (như trường hợp của HSBC-Techcombank hay Standard Chartered-ACB). Nhưng những lo ngại này đã sớm chìm vào quên lãng với những con số lợi nhuận và xử lý nợ xấu rất đáng lạc quan được công bố trong thời gian vừa qua. Tình hình này đang tạo ra điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tìm kiếm đối tác chiến lược và phát hành cổ phiếu để tăng vốn (hoặc bán bớt vốn nhà nước).

Qua tiếp xúc với dân làm ngân hàng cổ phần vào những tháng cuối năm 2017 thì người viết cũng đã có nghe những thông tin về những đối tác trong khu vực lẫn những đối tác có tầm cỡ quốc tế đang nhắm đến các ngân hàng ở Việt Nam.

Vấn đề sẽ được đặt ra là liệu vai trò của các đối tác chiến lược này sẽ như thế nào và liệu những tin tức này có làm nhà đầu tư phấn khởi hơn nữa không?

Đối tác chiến lược không phải phép màu

Thời kỳ 2004-2006, nhà đầu tư rất kỳ vọng và phấn khởi khi có đối tác chiến lược ngoại gia nhập ngân hàng nội. Nhưng qua thời kỳ khó khăn của ngành ngân hàng, có thể nhà đầu tư trong nước cũng ít nhiều nhận ra đối tác chiến lược không phải là phép màu. Có nhà đầu tư ngoại ngồi trong hội đồng quản trị thế nhưng những phù phép về số liệu nợ xấu, sở hữu chéo, và vi phạm an toàn vốn vẫn diễn ra. Trong tiến trình tái cấu trúc, có những ngân hàng họp hội đồng quản trị mãi vẫn không tìm được lối ra vì sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông Việt và cổ đông ngoại.

Hồi tháng 10-2017, tôi có dịp nói chuyện về đối tác chiến lược của hai ngân hàng cũng lớn và đang nổi trong những ngày đầu năm 2018 gần đây. Câu chuyện thú vị ở chỗ các sếp có tham gia ngồi họp hội đồng quản trị và giới quản lý cấp trung có cái nhìn rất khác biệt về vai trò của những nhân sự mà đối tác ngoại đưa vào ngân hàng. Nói cho đúng đó là sự lúng túng do khác biệt về văn hóa, khác biệt trong cách quản lý và ứng xử với nhân sự. Đó là chưa kể những khác biệt rõ ràng trong nhìn nhận về chiến lược, cung cách làm ăn của những nhóm cổ đông Việt Nam lớn với khối ngoại. Nói chung thì ngắn gọn là “khác biệt văn hóa”, nhưng nói cho đúng là khác biệt trong cả động cơ, cách hiểu về “lối chơi” và “luật chơi” của nhau.

Một ngân hàng càng có truyền thống trong một số lĩnh vực (chẳng hạn ngoại tệ, cho vay doanh nghiệp dầu khí, xuất khẩu), một số địa bàn (chẳng hạn TPHCM) thì càng khó thích ứng với một lối chơi do khối ngoại mang vào như: đa dạng hóa danh mục, không thể để một chi nhánh chiếm doanh thu quá lớn và ảnh hưởng tuyệt đối đến cả hệ thống. Giống như trong bóng đá, một đội bóng quen đá khéo léo kiểu Việt Nam bây giờ bị yêu cầu đá thể lực, chịu va chạm là không thể diễn ra một sớm một chiều vậy.

Đã thế, đối tác chiến lược còn không thể có vai trò như một công ty vào thâu tóm lại doanh nghiệp Việt để có thể “áp đặt lối chơi mới”. Đối tác chiến lược đa phần vẫn chỉ là cổ đông nhỏ so với các ông chủ Việt. Vì vậy, so với những va chạm về văn hóa và mô hình kinh doanh, quản lý xảy ra trong các vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A), những trở ngại đối với đối tác chiến lược còn lớn hơn nhiều. Vì vậy, kỳ vọng quá lớn vào đối tác chiến lược còn dễ vỡ mộng hơn kỳ vọng vào các thương vụ M&A.

Liên quan đến đối tác ngoại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, dường như đang có sự thay đổi theo hướng các đối tác Trung, Hàn, Thái và Singapore có nhiều tiền, có lợi ích và văn hóa kinh doanh dễ gần hơn với Việt Nam có thể sẽ thay thế các đối tác “xa” hơn về văn hóa.

Đã vậy, nhiều đối tác chiến lược còn gia nhập vào ngân hàng Việt Nam thời kỳ ở đỉnh, trầy trật trải qua thập kỷ khó khăn mà mãi vẫn không tái cấu trúc xong được ngân hàng Việt theo ý họ nên rời khỏi cũng là cách thoái vốn mà không quá lời cũng không quá lỗ vậy.

Áp lực tăng vốn, cọ xát văn hóa và những đối tác mới

Những diễn biến từ cuối 2017 đến đầu 2018 cho thấy đang có sự chuyển giao nhất định trong ngành tài chính giữa những đối tác ngoại với nhau, chẳng hạn Shinhan đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ và Công ty Tài chính Prudential. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều đối tác ngoại vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng cuộc chơi dường như đang có sự thay đổi theo hướng các đối tác Trung, Hàn, Thái và Singapore có nhiều tiền, có lợi ích và văn hóa kinh doanh dễ gần hơn với Việt Nam có thể sẽ thay thế các đối tác “xa” hơn về văn hóa.

Nói chuyện với một bạn làm ngân hàng đầu tư, bạn tiết lộ đang sắp xếp một thương vụ mà có đối tác Hàn và Nhật đều muốn mua cổ phần công ty Việt. Bàn tính xong đến gần kết thúc thì đối tác Hàn Quốc được chọn vì “tập quán kinh doanh” gần gũi hơn, một số loại khoản chi, cách làm kế toán và mô thức kinh doanh được giữ lại, trong khi phía Nhật thì không chịu, đòi phải chấm dứt sau khi phía Nhật tham gia.

Vài mẩu chuyện như vậy cũng thấy được đối tác chiến lược không phải cứ có tiền, có danh tiếng, mạng lưới, kinh nghiệm là mang vào Việt Nam được. Ngân hàng Việt Nam vẫn đang cần phải tăng vốn, vì nhiều ngân hàng phải hướng tới áp dụng an toàn vốn chuẩn Basel 2 trong thời gian không xa nữa. Danh mục cho vay cũng phải điều chỉnh lại theo hướng an toàn hơn để khi tính ra tài sản điều chỉnh có rủi ro nhìn phải “đẹp” hơn để tỷ lệ an toàn vốn được đẹp.

Với cổ phiếu tăng điểm thuận lợi như hiện tại, việc ngân hàng Việt sẽ có đối tác ngoại trong thời gian tới chắc chắn sẽ nở rộ. Nhưng giống như trong bóng đá, cứ 10 đội mời huấn luyện viên ngoại thì chỉ có vài đội lọt vào tốp đầu trong khi nhiều đội có huấn luyện viên ngoại thì vẫn cứ xuống hạng thôi. Hay hay dở, vì vậy không phải thuộc vào đối tác ngoại mà ở chỗ trình độ, mục tiêu và tầm nhìn của các bên có “khớp” với nhau hay không. Chứ không thôi thì đem khối ngoại vào, mở đủ loại ủy ban kiểm soát, kiểm tra, quản lý rủi ro, công nghệ... rồi thì cũng đâu vào đó vì toàn là lắp ghép râu ông nọ vào cằm bà kia thôi.

Mà trong công cuộc đó thì vai trò chính là nằm ở các ông chủ Việt đang nắm vốn chi phối. Họ muốn gì, tầm nhìn ngắn hay dài hạn, muốn làm tốt ngân hàng hay đánh bóng bản thân, họ hiểu ngân hàng đến đâu và quyết tâm thay đổi ngân hàng đến mức nào, sẽ quyết định chọn đối tác nào và hỗ trợ đối tác cải tiến ngân hàng đến đâu. Vì vậy, đối tác ngoại nhiều khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng nếu họ không nắm vốn chi phối. Đánh giá ngân hàng vì vậy vẫn phải nhìn vào các ông chủ nội đang nắm phần lớn vốn.

Hồ Quốc Tuấn