|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đối tác trung tâm (Central Partner) trong giao dịch chứng khoán là gì?

15:36 | 27/09/2019
Chia sẻ
Đối tác trung tâm (tiếng Anh: Central Partner) là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, trở thành bên bán của tất cả các bên mua và bên mua của tất cả các bên bán.

jobplacement

Hình minh họa (Nguồn: Marshal Shipping)

Đối tác trung tâm (Central Partner)

Khái niệm

Đối tác trung tâm trong tiếng Anh gọi là Central Partner.

Đối tác trung tâm có thể được định nghĩa là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, trở thành bên bán của tất cả các bên mua và bên mua của tất cả các bên bán. 

Với vai trò này, đối tác trung tâm tham gia vào giao dịch giữa các bên thông qua cơ chế thế vị (novation). Thế vị liên quan đến một hành động pháp lí thay thế hợp đồng gốc giữa bên mua và bên bán bằng một hợp đồng mới giữa bên mua và đối tác trung tâm cùng một hợp đồng mới khác giữa bên bán và đối tác trung tâm. 

Với cơ chế này, đối tác trung tâm đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình.

Trên thị trường chứng khoán, do vai trò là bên bán của tất cả các bên mua và là bên mua của tất cả các bên bán, trong một số trường hợp, đối tác trung tâm là một tổ chức độc lập thực hiện chức năng bù trừ. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác chẳng hạn ở Mỹ, khu vực Đông Âu, khu vực đồng euro và một số thị trường phát triển khác, đối tác trung tâm còn đảm nhiệm cả chức năng thanh toán của thị trường.

Tùy đặc điểm của từng nước, đối tác trung tâm có thể được tổ chức dưới các hình thức khác nhau như do chính phủ, trung tâm lưu kí chứng khoán hoặc sở giao dịch chứng khoán sở hữu, do sở giao dịch chứng khoán và ngân hàng trung ương đồng sở hữu, hay là công ty cổ phần.

Chức năng và vai trò của đối tác trung tâm 

Đối tác trung tâm có các chức năng cơ bản sau:

Bảo lãnh thanh toán: Đối tác trung tâm quản lí và kiểm soát việc chuyển giao tài sản nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trên cả hai phía giao dịch. Đối tác trung tâm thực hiện mọi nghĩa vụ đối với các giao dịch, thậm chí trường hợp bất kì thành viên nào bị mất khả năng thanh toán.

Bù trừ ròng các nghĩa vụ thanh toán: Đối tác trung tâm thực hiện bù trừ các nghĩa vụ đối ngược của thành viên bù trừ để đi đến một nghĩa vụ thanh toán duy nhất. Việc bù trừ giúp làm giảm khối lượng thanh toán, qua đó tăng hiệu quả của việc thanh toán. 

Bù trừ cũng giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro đối tác, và vì thế cũng giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống. Chức năng này của đối tác trung tâm cho phép làm giảm khối lượng và giá trị giao dịch cần thanh toán, do vậy giúp giảm chi phí cho thị trường.

Quản lí rủi ro: Đối tác trung tâm cung cấp cơ chế quản lí rủi ro tới cả hai phía giao dịch. Vì rủi ro chính của đối tác trung tâm xuất phát từ chất lượng tín dụng của các đối tác, đối tác trung tâm có trách nhiệm quản lí và giảm thiểu rủi ro mà các đối tác của họ đảm nhận trong giao dịch song phương trước đó. 

Thứ nhất, đối tác trung tâm áp đặt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo rằng đối tác trung tâm chỉ giao dịch với những đối tác có khả năng tín dụng tốt. 

Thứ hai, đối tác trung tâm thực thi các yêu cầu thế chấp chặt chẽ, đồng bộ lên các giao dịch. Trong trường hợp đối tác của đối tác trung tâm mất khả năng thanh toán, đối tác trung tâm có các cơ chế sẵn sàng xử lí tổn thất do việc mất khả năng thanh toán mà thành viên của đối tác trung tâm gây ra.

Với các chức năng trên, trên thị trường chứng khoán nói chung và đặc biệt là trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối tác trung tâm đóng vai trò là tổ chức bù trừ và bảo lãnh thanh toán.

(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Chứng khoán phái sinh & Thị trường chứng khoán phái sinh, NXB Lao Động)

Thanh Hoa