Trạng thái của quyền chọn (Status Of The Option) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: iEduNote.com)
Trạng thái của quyền chọn (Status Of The Option)
Khái niệm
Trạng thái của quyền chọn trong tiếng Anh gọi là Status Of The Option.
Trạng thái của quyền chọn là dấu hiệu cho biết quyền chọn đó có khả năng được người nắm giữ thực hiện hay không. Đây cũng là một trong những yếu tố cấu thành nên giá quyền chọn, hay là phí mua quyền.
Giá trị mà quyền chọn mang cho người sở hữu nó có thể ở một trong ba dạng thức: Trạng thái lãi (in-the-money), trạng thái lỗ (out-of-the-money) và trạng thái hòa vốn (at-the-money).
Xác định trạng thái của quyền chọn
Để xác định quyền chọn ở trạng thái nào, ta cần so sánh giá thực hiện quyền chọn với giá thị trường hiện hành của tài sản cơ sở.
Giả sử, một nhà đầu tư mua hai quyền chọn, một quyền chọn mua và một quyền bán, với cùng mức giá thực hiện là 50.000 VND và có cùng một tài sản cơ sở đang giao dịch ở mức giá 45.000 VND.
Với quyền chọn mua, do giả thực hiện cao hơn giá hiện hành của tài sản cơ sở, quyền chọn chỉ có giá trị vì nó vẫn chưa đáo hạn và giá cổ phiếu còn có khả năng tăng lên vượt quá 50.000 VND trong thời gian tồn tại còn lại của quyền chọn.
Nhà đầu tư sẽ không thực hiện quyền ngay bây giờ để mua tài sản cơ sở với giá 50.000 VND khi họ có thể mua trên thị trường với giá thấp hơn là 45.000VND. Quyền chọn này được coi là ở trạng thái lỗ.
Tuy nhiên, với quyền chọn bán, khi giá tài sản cơ sở là 45.000 VND còn giá thực hiện (tức là mức giá người nắm giữ quyền chọn này sẽ nhận được nếu thực hiện quyền) là 50.000 VND, giá của quyền chọn sẽ không chỉ có yếu tố thời gian mà còn bao gồm cả một giá trị tối thiểu.
Giá trị tối thiểu này chính là chênh lệch giữa giá thực hiện và giá tài sản cơ sở, hay là 5.000 VND (= 50.000 - 45.000). Nói cách khác, quyền chọn bán phải đáng giá tối thiểu 5.000 VND cho dù không tính đến yếu tố thời gian và khả năng biến động giả của tài sản cơ sở trong cấu thành giá quyền chọn. Ta nói rằng quyền chọn này ở trạng thái lãi.
Giá trị tối thiếu nói đến ở trên còn được gọi là giá trị nội tại (intrinsic value) của quyền chọn.
Nói một cách khái quát:
- Một quyền chọn mua ở trạng thái lãi khi giá thực hiện của nó thấp hơn giá thị trường của tài sản cơ sở, hoặc một quyền chọn bán ở trạng thái lãi khi giá thực hiện của nó cao hơn giá thị trường của tài sản cơ sở. Quyền chọn ở trạng thái lãi có giá trị nội tại được xác định bởi chênh lệch giữa hai yếu tố: Giá thực hiện và giá tài sản cơ sở.
Giá trị nội tại của quyền chọn mua = Giá tài sản cơ sở - Giá thực hiện
Giá trị nội tại của quyền chọn bán = Giá thực hiện - Giá tài sản cơ sở
- Một quyền chọn ở trạng thái hòa vốn khi giá thực hiện bằng hoặc xấp xỉ bằng giá thị trường hiện hành của tài sản cơ sở. Quyền chọn ở trạng thái này không có giá trị nội tại, hoặc giá trị nội tại rất nhỏ.
- Một quyền chọn mua ở trạng thái lỗ khi giá thực hiện của nó hơn giá thị trường của tài sản cơ sở, hoặc một quyền chọn bán ở trang thái lỗ khi giá thực hiện của nó thấp hơn giá thị trường của tài sản cơ sở khi ở trạng thái lỗ, quyền chọn không có giá trị nội tại.
Một điều cần chú ý là giá trị của quyền chọn có thể chuyển nhanh chóng từ trạng thái này sang trạng thái khác nếu tài sản cơ sở của quyền đó có mức độ biến động giá cao. Khoản phí mà người bán quyền chọn đòi hỏi từ người mua phản ánh được độ biến động này.
Tâm lí của thị trường là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá quyền chọn, chẳng hạn những nhà đầu tư không biết chắc liệu tài sản cơ sở có tăng giá trong tương lai hay không có thể mua quyền chọn mua thay vì mua tài sản cơ sở.
Hệ quả là tâm trạng của nhà đầu tư được phản ánh thông qua thị trường quyền chọn chứ không phải là thị trường tài sản cơ sở, do đó giá quyền chọn có thể còn dễ biến động hơn so với tài sản cơ sở, tóm lại:
Giá quyền chọn = Giá trị nội tại của quyền chọn + Giá trị thời gian
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Chứng khoán phái sinh & Thị trường chứng khoán phái sinh, NXB Lao Động)