Điều gì đã tạo nên cơn sóng thủy sản, dệt may trong năm 2018?
Bất chấp diễn biến thị trường chứng khoán có lúc giảm sâu sau khi VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm vào tháng 4 năm nay, các cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng và liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua nhờ kết quả kinh doanh tích cực.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, việc nhắm vào các cổ phiếu thủy sản và dệt may của giới đầu tư trong thời gian qua đến từ tâm lý kỳ vọng vào sự hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại của các doanh nghiệp trong ngành.
Cổ phiếu thủy sản, dệt may lội ngược dòng ngoạn mục
Kết thúc phiên 21/12, giá cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang đạt 31.500 đồng/cp, tăng 300% so với thời điểm đầu năm.
Tương tự, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt cũng bứt phá từ mức giá 10.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 30.000 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng 200%.
Cổ phiếu VHC của “Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn cũng không nằm ngoài “sóng” ngành nói chung, với mức tăng đạt 77% từ mức giá 50.400 đồng/cp hồi đầu năm lên 89.900 đồng/cp như hiện nay.
Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngành thủy sản khác như CMX của CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau; FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta; ABT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre… cũng đạt mức tăng giá trung bình 30-50%.
Diễn biến giá cổ phiếu ACL, ANV, VHC và VN-Index từ đầu năm đến nay (Nguồn: VNDirect). |
Cũng là một hiện tượng trên thị trường chứng khoán nhờ câu chuyện chiến tranh thương mại, cổ phiếu nhóm ngành dệt may cũng tăng phi mã trong năm 2018.
Cái tên nổi bật nhất trong ngành dệt may là TNG của CTCP Đầu tư và Thương mai TNG khi leo từ 11.700 đồng/cp lên 18.200 đồng/cp (kết thúc phiên 21/12). Cũng trong tháng 11 vừa qua, cổ phiếu này đã thiết lập được vùng đỉnh giá mới khi chạm mốc 19.000 đồng, tương đương mức tăng 65% kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, dù gần đây có sự điều chỉnh về giá nhưng cổ phiếu GMC của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn vẫn có mức tăng tốt gần 50% lên 36.000 đồng/cp.
Tuy không bằng những cổ phiếu nói trên, nhưng MPT của CTCP May Phú Thành, GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, VGC của Vinatex, TCM của Dệt may Thành Công cũng có mức tăng giá khá tốt so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu TNG, GMC và VN-Index từ đầu năm đến nay (Nguồn: VNDirect). |
Liệu thủy sản, dệt may có đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại?
Theo thống kê, trong 11 doanh nghiệp thủy sản chỉ có CTCP Thực Phẩm Sao Ta (Mã: FMC) và CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) báo lãi sau thuế quý III giảm nhẹ so với cùng kì năm trước. Những doanh nghiệp còn lại đều có mức tăng trưởng dao động từ 30% đến 1.144%. Thậm chí có doanh nghiệp còn lãi lớn mặc dù cùng kì năm ngoái báo lỗ.
Tượng tự, các doanh nghiệp dệt may cũng có một năm kinh doanh thắng lợi. Các doanh nghiệp như May Thành Công, TNG, May Sài Gòn, Gilimex (Mã: GIL),…hầu hết đều hoàn thành vượt kế hoạch năm 2018 chỉ sau 3 quý.
Bên cạnh yếu tố nội tại về quản lý nhân sự, tiết kiệm chi phí góp phần vào kết quả kinh doanh tích cực thì các doanh nghiệp thủy sản, dệt may đều được đánh giá là đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.
Về ngành thủy sản, theo Seafoodnews - một trang uy tín về thông tin thủy sản cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến giao dịch thương mại thủy sản toàn cầu giảm sút và một lượng lớn hàng hóa sẽ bị tồn đọng tại thị trường nội địa. Đáng chú ý, thủy sản là hàng hóa có tỷ lệ giao dịch toàn cầu cao nhất và cũng rất dễ bị hư hỏng.
Lâu nay, Mỹ và Trung Quốc được xem là hai thị trường trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam. Bởi vậy, khi ngành thủy sản của các quốc gia này bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, việc các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào là vấn đề rất được quan tâm.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành thủy sản, Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng, bởi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thủy sản chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm, tu hài, mực ống..., trong khi đa số sản phẩm thủy sản từ Việt Nam có giá trị thấp, nên nằm ngoài sự tác động.
Mặc dù sản phẩm thuỷ sản mà Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.
“Như vậy, nhìn chung nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này”, CTCP Bảo Việt (BVSC) cho biết trong một báo cáo gần đây.
Cũng theo BVSC, kết hợp với đề xuất của Bộ nông nghiệp Mỹ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ sẽ là những thông tin mang tính hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra.
Đối với ngành dệt may, theo nhận định của BVSC, các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia… sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh khiến các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, thị phần xuất khẩu ngành hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể tăng lên nhờ mức giá cạnh tranh.
Thông tin Việt Nam sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại kỳ họp cuối năm diễn ra vào tháng 10 tới cũng được các nhà đầu tư cho rằng là tin tốt cho các doanh nghiệp dệt may.
Theo các chuyên gia dự báo, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 16% lên kỉ lục 36 tỉ USD vào năm 2018. Trong đó, may mặc chiếm hơn 10% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Sự gia tăng gần đây trong xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam dường như đến từ việc thúc đẩy sản xuất tại các nhà máy hiện tại. Và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc khi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Tuy vậy, theo BVSC, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ, do đó, nhà đầu tư cần có chiến lược cụ thể cho danh mục.
Ngoài ra, tại một hội thảo gần đây, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên hiệp quốc cho biết nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may tỏ ra lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ CPTPP và chiến tranh thương mại. Bởi hiện nay, nguyên liệu vải mà các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sử dụng đa phần nhập từ Trung Quốc, trong khi nước này không tham gia CPTPP và đang khá căng thẳng với Mỹ nên những sản phẩm dệt may có vải xuất xứ từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/