Thị trường giảm sâu, cổ phiếu thủy sản vẫn 'lội ngược dòng' nhờ kết quả kinh doanh đột biến
Diễn biến giá cổ phiếu ACL trong 3 tháng qua (Nguồn: VNDirect). |
Diễn biến giá cổ phiếu CMX trong 3 tháng qua (Nguồn: VNDirect). |
Bất chấp diễn biến thị trường chứng khoán giằng co và giảm sâu sau khi VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm vào tháng 4 năm nay, cổ phiếu ngành thủy sản vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng và liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua nhờ kết quả kinh doanh tích cực.
Tính đến hết phiên 14/11, giá một số cổ phiếu ngành thủy sản như ACL, CMX, ANV đều có mức tăng dao động trong khoảng 63%- 218% trong 3 tháng qua.
Ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích 9 tỉ USD trong 2018
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi từ tháng 8 đến nay và tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 8% đạt 847 triệu USD trong tháng 9.
Tính trong 9 tháng, tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,42 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kì năm ngoái.
VASEP cho rằng, đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh giá tôm xuất khẩu sụt giảm liên tục trong nhiều tháng qua và hải sản Việt Nam bị cảnh cáo thẻ vàng ở thị trường EU cùng nhiều rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá mà các thị trường nhập khẩu đặt ra. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản đang có cơ hội rộng mở hơn tại thị trường Mỹ khi một loạt những rào cản dần được tháo gỡ.
Kết thúc quý III cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu phục vụ cho dịp lễ, tết ở các thị trường nhập khẩu. Theo VASEP, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm và giá tôm có xu hướng hồi phục nhẹ sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
VASEP dự báo với mức tăng trưởng hiện nay cùng với những yếu tố thuận lợi từ thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV sẽ đạt kết quả cao hơn cùng kì năm ngoái với kim ngạch khoảng 2,5 tỉ USD. Theo đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích năm 2018 với doanh số xuất khẩu khoảng 8,9-9 tỉ USD, tăng 7% so năm 2017.
Xuất khẩu cá tra tiếp tục là điểm sáng của ngành thủy sản Việt Nam trong 2018. Không chỉ riêng thị trường Mỹ có xu hướng tăng trưởng mạnh, mà xuất khẩu cá tra sang EU cũng bắt đầu tăng dần từ tháng 6 đến nay.
Đối với mặt hàng tôm, những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ cùng với đợt cao điểm tiêu thụ tôm ở các thị trường, xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc dần trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên do nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu.
Do vậy dù nhu cầu có tăng vào những tháng cuối năm nhưng với xu hướng hiện nay, xuất khẩu tôm cả năm 2018 khó tăng trưởng mạnh, chỉ có thể duy trì ở mức tương đương năm 2017, với gần 3,8 tỉ USD.
Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển... cũng được dự báo có mức tăng trưởng khá trong năm 2018, đạt khoảng 650 triệu USD mỗi sản phẩm, tăng 8% so với năm 2017.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lãi tăng đột biến
Trong bối cảnh ngành thuận lợi, kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp thủy sản đều tăng đột biến và vượt kế hoạch năm.
Nguyễn Đức tổng hợp (Đơn vị: tỉ đồng). |
Theo thống kê, trong 11 doanh nghiệp thủy sản chỉ có CTCP Thực Phẩm Sao Ta (Mã: FMC) và CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) báo lãi sau thuế quý III giảm nhẹ so với cùng kì năm trước. Những doanh nghiệp còn lại đều có mức tăng trưởng dao động từ 30% đến 1.144%. Thậm chí có doanh nghiệp còn lãi lớn mặc dù cùng kì năm ngoái báo lỗ.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của một số doanh nghiệp thủy sản. Nguyễn Đức tổng hợp. |
Dù chỉ đứng vị trí thứ hai về doanh thu toàn ngành nhưng nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) lại dẫn đầu lợi nhuận sau thuế trong quý III với 690 tỉ đồng, tăng 260%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng gần 10% đạt 6.569 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.036 tỉ đồng, cao hơn cùng kì 153% và vượt 67% kế hoạch năm.
Đứng thứ hai là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) với lãi sau thuế 271 tỉ đồng, tăng 30%.
Tại đại hội cổ đông bất thường mới đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT cho biết hiện công ty đang áp dụng thí điểm nuôi tôm theo công nghê nhân tạo, biên lợi nhuận có thể đạt trên 15%.
Ông Quang đưa ra ba kịch bản. Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 15%/năm thì đến 2023 sản lượng tôm của Minh Phú dự kiến đạt 510.000 tấn; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 20% thì sẽ đạt 1 triệu tấn tôm, giá trị tương ứng 10 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 25% thì sẽ đạt 1,7 triệu tấn tôm, giá trị 17 tỉ USD.
Theo ông Quang, nếu làm tốt và có cả nhà đầu tư chiến lược tham gia thì Minh Phú có thể tăng trưởng lợi nhuận 30%, sản lượng đạt 2.6 triệu tấn tôm, tương ứng 26 tỉ USD.
Ngoài hai doanh nghiệp đầu ngành tôm và cá tra kể trên, nhờ doanh thu tăng trưởng mà một số doanh nghiệp thủy sản đã báo lãi tăng mạnh so với cùng kì trong đó đáng chú ý nhất là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu long An Giang (Mã: ACL).
Doanh nghiệp này đã có một quý kinh doanh thắng lớn với doanh thu thuần tăng 65% đạt 469 tỉ đồng. Lãi sau thuế quý III 96,4 tỉ đồng, gấp 12 lần so với cùng kì. 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 1.190 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế 147 tỉ đồng, gấp 7 lần cùng kì và vượt 320% kế hoạch năm.
Dù là “hạt tiêu” trong ngành thủy sản nhưng Thủy sản Mekong (Mã: AAM) cũng có kết quả kinh doanh tích cực khi lãi sau thuế quý III đạt 2,5 tỉ đồng trong khi cùng kì lỗ hơn 4 tỉ đồng.
Không kề kém cạnh, Camimex Group (Mã: CMX) cũng báo lãi hơn 41 tỉ đồng trong quý III cao gấp 8 lần cùng kì. 9 tháng đầu năm, công ty đạt 803 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 16,2%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 59 tỉ đồng, gấp 3,7 lần cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, với mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng 1.677,5 tỉ đồng doanh thu và gần 63 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế - số lãi mục tiêu cao nhất trong lịch sử niêm yết của công ty thì Camimex Group vẫn chưa hoàn thành kế hoạch năm sớm.
Từng được mệnh danh là “vua” cá tra, Thủy sản Hùng Vương (Mã: HVG) cũng có một kết quả kinh doanh quý III tích cực với doanh thu thuần 1.599 tỉ đồng, giảm 50,6% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế 373,1 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước lỗ 608,1 tỉ đồng.
Cả niên độ 2017-2018, Hùng Vương ghi nhận doanh thu thuần 8.043 tỉ đồng, giảm 48%. Lãi sau thuế đạt hơn 7 tỉ đồng trong khi cùng kì âm 705 tỉ đồng.