|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nikkei: Ngành dệt may Việt Nam hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

15:17 | 18/12/2018
Chia sẻ
Cuộc tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã mang đến cơ hội cho các trung tâm sản xuất đồ may mặc như Bangladesh và Việt Nam, khi nhiều công ty rời Trung Quốc để trách thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt 158,4 tỉ USD trong năm ngoái, chiếm hơn 30% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, con số này đã từ khoảng 40% vào đầu thập kỉ, với các công ty may mặc dần dần di chuyển sang các quốc gia láng giềng có chi phí lao động rẻ hơn.

Bangladesh là một trong những lựa chọn thay thế. Quốc gia này là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, với thị phần chiếm 6,4%. Việt Nam đứng thứ ba với 5,8%. Tiền lương tại Việt Nam chưa bằng một nửa so với các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Quảng Châu. Lao động ở Bangladesh còn rẻ hơn.

Các công ty may mặc của Mỹ cũng đang đa dạng hóa các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Xuất khẩu hàng may mặc từ Bangladesh sang Mỹ tăng 14% lên 1,48 tỉ USD trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9 và tăng 3% trong năm tính đến tháng 6.

Theo một hiệp hội ngành, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 16% lên kỉ lục 36 tỉ USD vào năm 2018. Trong đó, may mặc chiếm hơn 10% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Sự gia tăng gần đây trong xuất khẩu hàng may mặc của các quốc gia này dường như đến từ việc thúc đẩy sản xuất tại các nhà máy hiện tại. Và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng tốc khi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại.

nikkei nganh det may viet nam huong loi lon tu cuoc chien thuong mai my trung quoc
Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Reuters.

Sản phẩm may mặc từ Trung Quốc hiện không phải chịu thêm thuế quan của Mỹ, nhưng có thể sớm vì chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phát đi tín hiệu.

"Ngay cả các công ty không muốn di dời trước đây cũng đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc", nguồn tin từ một công ty hậu cần tại Việt Nam cho biết.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đẩy nhanh xu hướng này. Theo Nikkei Asian, Mỹ sẽ cấm các cơ quan chính phủ có bất kì thỏa thuận kinh doanh nào với những công ty sử dụng thiết bị liên lạc và camera giám sát từ 5 công ty Trung Quốc, gồm cả Huawei Technologies và ZTE, bắt đầu từ tháng 8/2020.

Theo đó, nhà máy may mặc sử dụng thiết bị từ các công ty này sẽ không được phép cung cấp đồng phục hoặc bất kì sản phẩm nào khác cho cơ quan chính phủ Mỹ. Và nếu một công ty bị phát hiện đã tuyên bố không chính xác về thiết bị họ sử dụng, Mỹ có thể chặn khả năng thực hiện các giao dịch quốc tế bằng đồng USD.

Với sự sử dụng rộng rãi của các sản phẩm từ những công ty trong danh sách đen tại Trung Quốc, việc rời khỏi quốc gia này được coi là cách an toàn nhất để tránh các vấn đề về thiết bị.

Đối với một quốc gia như Bangladesh, nơi hàng may mặc chiếm khoảng 80% xuất khẩu, lợi ích kinh tế của việc di chuyển này rất đáng kể. Ngành dệt may chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội. Bangladesh là quê hương của hàng loạt nhà thầu xử lí sản phẩm cho các công ty may mặc lớn như chủ sở hữu Zara - Inditex, Hennes & Mauritz và nhà điều hành Fast Retailing của Uniqlo.

Campuchia là một quốc gia khác đang nổi lên như một nơi sản xuất thay thế, một phần vì gần gũi với Trung Quốc về mặt ngoại giao và kinh tế. Kể từ mùa thu này, có nhiều thêm các doanh nghiệp dệt may thuê đất tại một khu công nghiệp ở thủ đô Phnom Penh, một nguồn tin cho biết.

Xem thêm

Lyly Cao

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.