|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Công bố báo cáo và công cụ đánh giá rủi ro ngành dệt may Việt Nam

07:54 | 29/11/2018
Chia sẻ
Công cụ đánh giá rủi ro về nguồn nước ở khu vực Mekong, Báo cáo rủi ro về nước và các giải pháp của nước cho ngành dệt may Việt Nam sẽ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong tương lai.
cong bo bao cao va cong cu danh gia rui ro nganh det may viet nam

Công nhân Nhà máy sợi Hòa Xá làm việc. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Chiều 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã công bố hai sản phẩm Công cụ đánh giá rủi ro về nguồn nước ở khu vực Mekong và Báo cáo rủi ro về nước và các giải pháp của nước cho ngành dệt may Việt Nam.

Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế nóng, nên nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lớn, trong đó ngành dệt may sử dụng nước, năng lượng... Do đó, ngành dệt may cần có những sáng kiến để phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu về môi trường.

Hai sản phẩm Công cụ đánh giá rủi ro về nguồn nước ở khu vực Mekong; Báo cáo rủi ro về nước và các giải pháp của nước cho ngành dệt may Việt Nam sẽ hỗ trợ phần nào cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong tương lai.

Đặc biệt, Báo cáo đưa ra 12 kiến nghị của WWF để tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam có định hướng, gắn kết các bên liên quan trong ngành, nhằm đẩy mạnh quản lý cải thiện nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Từ đó, xây dựng thương hiệu ngành dệt may Việt Nam, để người tiêu dùng mua sắm sản phẩm dệt may Việt Nam không phải vì giá rẻ mà vì mục tiêu bảo vệ môi trường.

Dệt may là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và cũng là ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều nước, nhất là công đoạn xử lý vải, nhuộm.

Để cải thiện hiện quả quản lý và sử dụng nước của ngành Dệt may, một số kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư của ngành cho quá trình xử lý nước thải cần tăng lên nhiều hơn so với mức hiện tại. Đồng thời, khắc phục tình trạng các nhà máy, khu công nghiệp đối mặt với khó khăn không đủ nguồn tài chính đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ xử lý nước thải...

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tính đến thời điểm hiện tại, có một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào sản phẩm sợi, dệt hoàn tất; thiết kế robot cho sản phẩm đồ jean; nhà máy kéo sợi đã tự động hóa toàn quy trình sản xuất… Việt Nam đang đứng hàng thứ 4 trong các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu, tiếp theo Ấn Độ, Bangladet.

Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ khá tốt, nhưng thách thức rất lớn là tác động về môi trường, nhất là môi trường nguồn nước. Hiện nay, việc chuyển dịch hoạt động sản xuất về địa phương, vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm… đang gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế đã xảy ra các thách thức về biến đổi khí hậu như vùng trọng tâm cần đầu tư nhà máy là miền trung, miền Bắc, khu vực đồng bằng sông Cửu Long… đều thiếu nguồn nước và thường xuyên bão lũ nên khó có điều kiện phát triển bền vững ngành Dệt may.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có những Hiệp định đã có hiệu lực. Đơn cử, dự kiến đầu năm 2019, có một số dòng thuế giảm khi xuất khẩu vào các nhước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trên cơ sở này, công nghệ đã được ứng dụng và tác động đến hoạt động sản xuất và quản trị doanh nghiệp ngành dệt may.

Thống kê, nửa năm đầu 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP như Úc, Canada, Nhật Bản… đều tăng trưởng tích cực.

Song song đó, ngành dệt may Việt Nam đang đón dòng đầu tư, nhất là dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt 17,5 tỷ USD. Trong đó, những quốc gia đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam, gồm: Hàn Quốc; Nhật Bản, Trung Quốc...

Xem thêm

Mỹ Phương