|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may 8 tháng đạt 26,1 tỷ USD, hoàn thành 65% mục tiêu cả năm 2023

11:53 | 18/09/2023
Chia sẻ
8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

 

Thống kê cho thấy tất cả mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt 20,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ và chiếm 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm.

 

Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định 2023 là một năm đặc biệt với ngành dệt may theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng đầu năm.

Tuy nhiên đến thời điểm này, ngành dệt may đang chuyển dần chuyển sang trạng thái “giật gấu vá vai” sang “đủ ăn, đủ mặc".

Nói thêm về tiềm năng xuất khẩu dệt may sang Mỹ trong thời gian tới, ông Thân Đức Việt cho biết 7 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.

Việc Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam và hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu hàng hóa nói chung, ngành dệt may nói riêng.

Trước đó tại cuộc họp chuyên đề tháng 8 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết 7 tháng đầu năm 2023, chỉ có thị trưởng Nhật Bản tăng trưởng 3% so cùng kỳ 2022 với kim ngạch 2,2 tỷ USD.

Trong khi đó, các thị trường chính như Mỹ, EU và Hàn Quốc đều lần lượt giảm 24%, 10% và 8% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc dù có tháng 7 có mức tăng trưởng tốt, nhưng lũy kế 7 tháng vẫn giảm 10% so với năm 2022.

Ông Vương Đức Anh cho rằng lực cầu thấp của ngành may mặc có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm.

Với thị trường Mỹ, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex kỳ vọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm sẽ tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc cả năm 2023 của thị trường này có thể đạt 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.

Với thị trường Nhật Bản, ông Vương Đức Anh cho rằng xuất khẩu dệt may sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.

Phạm Mơ