|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản những tháng cuối năm?

13:40 | 08/09/2023
Chia sẻ
Loạt cổ phiếu hai ngành dệt may và thủy sản đã diễn biến tương đối tích cực từ tháng 4 đến nay, đáng kể nhất là VHC với mức tăng khoảng 50%. Bên cạnh yếu tố hưởng ứng thị trường chung, liệu triển vọng của nhóm cổ phiếu này đã thực sự trở lại?

Vượt qua vùng đáy, hoạt động xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trở lại

Sau giai đoạn tăng trưởng lạc quan, lĩnh vực xuất khẩu chứng kiến sự chùng xuống kéo dài từ cuối 2022 đến đầu năm 2023. Đây là hệ quả do ảnh hưởng loạt yếu tố như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, căng thẳng địa chính trị, lạm phát, sức tiêu thụ giảm,... Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ghi nhận 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tích cực đã dần quay trở lại trong thời gian. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng 7. Giá trị xuất khẩu 32,37 tỷ USD cũng là mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viên Tài chính) nhận định, theo số liệu cho thấy nhiều khả năng xuất khẩu đã thoát đáy. Hiện Tổng cục Hải quan chưa công bố số liệu xuất khẩu chính thức vào một số đối tác lớn trong tháng 8. Tuy nhiên dữ liệu tháng 7 cho thấy xuất khẩu vào các thị trường trong Top10 như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, đã tăng trưởng dương trở lại so với tháng 7/2022.

Tại nội dung phân tích gần đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.   

"Tất cả các nhà xuất khẩu châu Á đều được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ chạm đáy, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất hưởng lợi đáng kể từ việc nhiều nhà máy mới được thành lập", đại diện VinaCapital cho hay.

Chỉ số tồn kho của Mỹ về đáy. (Nguồn: VinaCapital).

Dệt may và thủy sản là những ngành đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là nhóm có đông đảo cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn chứng khoán. Theo quan sát, loạt cổ phiếu hai ngành này đã diễn biến tích cực từ tháng 4 đến nay, đáng kể nhất là VHC với mức tăng 50%. Bên cạnh yếu tố hưởng ứng thị trường chung, liệu triển vọng của nhóm cổ phiếu này đã thực sự trở lại?

Diễn biến giá một số đại diện ngành dệt may và thủy sản đến 7/9. (Biểu đồ: FireAnt).

Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng tăng trưởng trong quý IV

Tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện với dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. "Lần đầu tiên May 10 nhận đơn hàng, sản xuất cho các thương hiệu khách hàng ở Thái Lan và Philippines. Tất nhiên lượng đặt hàng khó so sánh được với quy mô của thị trường Mỹ và châu Âu nhưng điều này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường trên toàn cầu", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 (Mã: M10) mới đây đã chia sẻ.

Theo báo cáo ngành dệt may cập nhật tháng 8 của SSI Research, trong khi các đơn đặt hàng dự kiến sẽ phục hồi trong quý IV/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng sự phục hồi sẽ chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi. Do đó, nhóm phân tích ước tính giá bán bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ đối với đơn hàng FOB. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019. Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3 - 4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện. Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý IV/2022, do đó, SSI Research kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV/2023.

Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.

 

Cổ phiếu ngành dệt may đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 và 2024 lần lượt là 11x và 9x. Hầu hết các công ty đều kỳ vọng doanh thu trong quý III/2023 sẽ tương đương mức của quý II/2023 nhưng dự kiến cải thiện so với quý trước trong quý IV/2023. SSI Research kỳ vọng các công ty trong ngành sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dương trong quý IV/2023. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý xấu nhất đã được phản ánh vào giá và nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của ngành trong năm 2024.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá dệt may sẽ hồi phục ở mức nhẹ. Tại báo cáo ngành dệt may mới đây, nhóm phân tích tin rằng thời điểm khó khăn nhất có thể đã qua (lượng đơn đặt hàng đã tạo đáy), tuy nhiên về triển vọng cho đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể là một sự phục hồi nhẹ, thay vì một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ.

Dữ liệu lịch sử cho thấy rằng thường mất 9 - 11 tháng thì doanh số bán lẻ hàng may mặc và giày dép tại Mỹ mới phục hồi sau khi lạm phát đạt đỉnh. Do đó, kỳ vọng rằng doanh số bán hàng sẽ hồi phục vào đầu kỳ nửa năm sau 2023, theo sau là lượng đơn hàng cải thiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Về mặt định giá, VDSC cho biết cổ phiếu của các công ty dệt may hiện đang giao dịch ở mức P/E trượt cao hơn đáng kể so với mức trung bình quá khứ (trung bình từ thời điểm niêm yết). Do đó, sự kỳ vọng về triển vọng phục hồi đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dệt may trong nửa cuối năm 2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của thị trường xuất khẩu cũng như khả năng kiểm soát mức tồn kho của các thương hiệu.

 (Nguồn: VDSC).

Thủy sản hướng dần đến sự hồi phục

Các doanh nghiệp thủy sản có năm 2022 thành công với lợi nhuận tăng 86% so 2021 nhờ nhu cầu dồn nén sau dịch tại thị trường Mỹ. Giống như dệt may, tình hình đã chững lại vào cuối 2022 và đi xuống trong các tháng sau đó.

VDSC đánh giá xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng vẫn tương đương mức của giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, sự sụt giảm mạnh này chủ yếu do mức nền năm 2022 gia tăng đột biến, trong khi nhu cầu thủy sản Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các mặt hàng xuất khẩu khác.

Từ tháng 3 đến giữa năm, giá trị xuất khẩu thủy sản gần như đi ngang, trái với kỳ vọng trước đó của nhiều nhà đầu tư. Giá xuất khẩu tại hầu hết các thị trường đều giảm mạnh, nhất là thị trường Mỹ.

Mức nền thấp trong nửa cuối 2022 giúp tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa cuối 2023 không bi quan như nửa đầu 2023. Tăng trưởng qua từng tháng cũng sẽ được ghi nhận trong nửa cuối 2023 khi các nước nhập khẩu bước vào mùa lễ. Nhóm phân tích dự đoán xuất khẩu thủy sản sẽ cải thiện rõ nét hơn từ quý III, đặc biệt là từ thị trường Mỹ.

Về nhu cầu, các nhà bán lẻ Mỹ đã nối lại hoạt động nhập khẩu thủy sản sau ba quý hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong dịp nghỉ lễ cuối năm. Đồng thời nước này cũng hạ giá thủy sản để kích cầu người tiêu dùng.

Riêng đối với tôm, nguồn cung tôm từ các nước sản xuất lớn sụt giảm trong nửa cuối 2023. Theo VASEP, tỷ lệ ao trống ở Ấn Độ dao động từ 30% đến 50%. Diện tích nuôi tôm của Ecuador đã bị ảnh hưởng bởi EI Nino, gây thiệt hại khoảng 30%.

Tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn hơn với nhận thức về thị trường và đủ nguồn lực để sản xuất/lưu trữ nguyên liệu tiết kiệm chi phí có khả năng tăng tốc phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối 2023.

VDSC dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5 tỷ USD trong nửa cuối 2023, giảm nhẹ 5% so với cùng, nhưng tăng trưởng 15% so với mức nền thấp của nửa đầu 2023. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cho cả năm 2023 ở mức 9,3 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mục tiêu của Bộ Nông nghiệp là 10 tỷ USD. Tuy nhiên, một ẩn số trong dự báo là khả năng phục hồi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Với Mỹ, thị trường này trong nửa đầu 2023 đã chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất do tồn kho cao và cạnh tranh giá với các mặt hàng thủy sản khác. Mặc dù vậy, nhóm phân tích cho rằng thị trường Mỹ vẫn có nhu cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm cá tra do giá cả phải chăng, hấp dẫn người tiêu dùng có thu nhập hạn chế. Ngoài ra, tôm chế biến của Việt Nam vẫn là một mặt hàng phổ biến do xu hướng chế biến thực phẩm tại nhà ngày càng tăng nhằm giảm chi phí tiêu dùng.

Trong nửa cuối năm 2023, VDSC dự báo triển vọng tích cực cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, khi vấn đề tồn kho cao được giải quyết và giá thủy sản giảm sẽ kích thích nhu cầu.

(Nguồn: VDSC).

Về mặt định giá, hầu hết các công ty thủy sản danh sách theo dõi của VDSC đều có P/E dự phóng 2023/24 cao hơn P/E trung bình 5 năm. Điều này chủ yếu là do kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư về sự phục hồi xuất khẩu, mặc kết quả kinh doanh thực tế của các công ty trong ngành không đạt như kỳ vọng. VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem xét lại ngành thủy sản khi có mức chiết khấu tốt hơn.

(Nguồn: VDSC).

Ở một diễn biến mới đây khác, giới đầu tư quan tâm đến câu chuyên tác động của việc Trung Quốc cấm nhập hải sản Nhật Bản từ cuối tháng 8/2023. Tuy nhiên, báo cáo ngành thủy sản cập nhật mới đây của SSI Research chỉ ra cá tra không phải là sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật. Xuất khẩu thủy sản Nhật Bản chiếm chưa đến 5% trong cơ cấu tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc và động vật thân mềm (mực, bạch tuộc, sò,...) là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính.

Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam thì IDI, Nam Việt (Mã: ANV) và Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của ba đơn vị trên.

Xuân Nghĩa