'Giá gạo xuất khẩu khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất'
Kể từ 20/7 đến nay, hàng loạt lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, Myanmar, UAE và Nga được ban hành khiến thị trường thế giới "chao đảo", giá gạo liên tục phi mã. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời về những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Thời gian gần đây, Ấn Độ và Myanmar liên tục đưa ra lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo. Những động thái dồn dập này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường gạo Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Khi các nước như Ấn Độ, Nga, Myanmar đưa ra lệnh cấm hạn chế xuất khẩu gạo sẽ làm tăng giá gạo nội địa, những người mua lớn sẽ có lợi trong tình hình này, đặc biệt những hợp đồng dài hạn sẽ có lợi khi các biến động cung ứng lúa gạo xảy ra.
Giá gạo xuất khẩu thời gian qua chạm ngưỡng kỷ lục, ông đánh giá như thế nào về triển vọng giá gạo trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Giá gạo đang tăng rất cao so với mặt bằng những năm trước. Lần này việc giá tăng dự kiến sẽ kéo dài hơn vì nhu cầu trên thị trường bị thiếu hụt so với nguồn cung. Giá gạo cuối tháng 8 trong khoảng 720 – 800 USD/tấn. Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có thể đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008.
Thời điểm này, đơn hàng của doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp có ký thêm các hợp đồng mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Vào thời điểm này, các đơn hàng của Lộc Trời vẫn ổn định. Lộc Trời đang giao hợp đồng đã ký 100.000 tấn sang Indonesia, đây là lần đầu tiên Lộc Trời ký số lượng lớn theo hình thức đấu thầu và sẽ tham gia ký kết nhiều hơn với đối tác trong tương lai.
Trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo như Ấn Độ, Nga, UAE và giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi, người "được" nhiều nhất chính là nông dân trồng lúa.
Về bản chất, Lộc Trời hoàn toàn không mong muốn giá xuất khẩu cao vì lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên cần có giá và chất lượng ổn định, việc giá cao không tạo ra được sử ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu.
Một số doanh nghiệp ký đơn hàng sớm, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp gặp rủi ro, lỗ. Ông đánh giá như thế nào về điều này, liệu có thể đàm phán lại với khách hàng, tăng/giảm giá theo biến động giá nguyên liệu?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Thực tế, các doanh nghiệp “4 không” như: không vốn, không vùng nguyên liệu, không nhà máy, không kho chứa sẽ bị rủi ro khi biến động xảy ra.
Còn về phía Lộc Trời, chúng tôi có vốn, có vùng nguyên liệu, có nhà máy, có kho chứa nên hạn chế được rủi ro. Và Lộc Trời thực hiện đúng cam kết giao hàng đúng số lượng, chất lượng và không cần đàm phán lại.
Lộc Trời có chiến lược gì trong giai đoạn này thế nào để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Về chiến lược lâu dài, Tập đoàn đã và đang xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ gieo trồng đến sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu để doanh nghiệp trở thành nguồn cung cấp lương thực ổn định cho Việt Nam và thế giới.
Mới đây, Lộc Trời kết nạp Lộc Nhân (LNG) vào hệ sinh thái nông nghiệp tập đoàn nhằm tăng cường năng lực sản xuất lúa gạo cho mảng nông sản của Lộc Trời, chiếm đến hơn 70% tổng doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác mua hàng lúa gạo.
Từ đó, tổng số nhà máy gạo đã tăng từ 5 lên 10 nhà máy với công suất sấy lúa tươi tăng cường đạt 14.000 tấn/ngày; năng lực lưu kho, xay xát đạt 5.000 tấn/ngày; lưu kho đạt 150.000 tấn gạo. Việc kết nạp thêm Lộc Nhân là công ty "4 có" - vốn, vùng nguyên liệu, nhà máy, kho chứa giúp chúng tôi hạn chế được rủi ro trong kinh doanh.