|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộc Trời sắp xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia

16:47 | 07/08/2023
Chia sẻ
Mỗi giao dịch xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia của Lộc Trời có giá trị tối đa 127 triệu USD.

HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) vừa chấp thuận các hợp đồng giao dịch giữa tập đoàn và các đối tác liên quan đến việc mua bán, xuất khẩu lúa gạo đến Indonesia, Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với mỗi giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD.

Đồng thời, HĐQT giao cho Tổng Giám đốc Lộc Trời được giao đại diện cho công ty ký kết các hồ sơ, tài liệu tham gia đấu thầu (nếu có), chào giá, liên quan đến giao dịch nêu trên.

Về tình hình kinh doanh quý II, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.677 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng, đây cũng là mức lãi cao nhất lịch sử hoạt động.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Trong khi đó, mảng thuộc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.

Công ty lãi sau thuế 343 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng 146%. Nhờ vậy, công ty đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm là 400 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 12.183 tỷ đồng, tăng 39% so với số đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn là 553 tỷ đồng.

Cuối quý II, tổng nợ vay của Lộc Trời khoảng 6.950 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 3.392 tỷ đồng bao gồm 1.541 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Chốt phiên 7/8, cổ phiếu LTG dừng tại 39.700 đồng/cp, tăng 44% so với thị giá đầu tháng 5.

Diễn biến giá cổ phiếu LTG từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).

Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm

Tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu  gạo 6 tháng đầu năm, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh. 

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Giá thóc, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (như: Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng  kỳ năm 2022, …) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.

Theo số liệu ước của cơ quan liên Bộ, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,83 - 4,84 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 – 2,67 triệu tấn (chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về để phục vụ chế biến). 

Tuy nhiên, hàng năm theo thống kê ngoài lượng thóc, gạo hàng hóa sản xuất trong nước còn lượng thóc, gạo từ Campuchia (chế biến) và Ấn Độ để phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Hiện nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ đã không còn sau lệnh cấm nên khả năng sẽ phải bù đắp từ nguồn trong nước.   

Lâm Anh