Giá xuất khẩu lập đỉnh, doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh ra sao trong quý II?
Trước những thông tin tích cực của thị trường gạo, nhiều cổ phiếu gạo đã bứt phá trong thời gian gần đây. Chốt phiên 2/8, cổ phiếu VSF (14,5%), AGM (6,9%) tăng kịch trần và trắng bên bán.
Một tháng trở lại đây, nhiều cổ phiếu gạo tăng mạnh như VSF tăng 154% lên 22.100 đồng/cp, AGM tăng 70% lên 10.400 đồng/cp, TAR tăng 38% lên 23.700 đồng/cp. Còn tính từ đầu năm tới nay, hầu hết cổ phiếu gạo đều bứt tốc mạnh như VSF tăng 413%, TAR tăng 87%, LTG tăng 55%.
Động lực khiến nhóm cổ phiếu gạo liên tục leo thang khi ngành đón nhận nhiều thông tin tích cực. Ngày 29/7, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. Trước đó một ngày (28/7), Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết sẽ dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo.
Quyết định của UAE và Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati từ ngày 20/7 với mục tiêu kìm hãm đà tăng của giá lương thực. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới) và cũng là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).
Trước tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ và Nga, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Tờ trình nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu gạo toàn cầu liên tục biến đổi sau những sự việc như Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo...
Ngành gạo Việt Nam có được hưởng lợi?
Trong báo cáo ngành lương thực mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, Việt Nam sẽ đón nhận những xu hướng tích cực từ chu kỳ thắt chặt nguồn cung lương thực.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam ghi nhận sự bứt tốc mạnh với sản lượng đạt 4,27 triệu tấn (tăng 22,2% so với cùng kỳ) và tổng giá trị vươn lên 2,3 tỷ USD (tăng 34,7%), đạt mức tăng trưởng nửa năm cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.
Việt Nam đang sở hữu trữ lượng tồn kho lúa gạo lớn và dự kiến sẽ gia tăng thêm từ vụ hè thu. Tính đến đầu tháng 6, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới thu hoạch khoảng 81.800 ha, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Qua đó, sản lượng lúa gạo thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ hè thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 7 và tháng 8.
Trên cơ sở Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu gạo đáng kể trong các năm trước cùng trữ lượng lúa gạo lớn, nhóm phân tích kỳ vọng mảng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu của các đối tác quốc tế. Đặc biệt từ các nước ghi nhận mức nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến từ Việt Nam trong 2023 như Phillipines và Trung Quốc.
TPS chỉ ra theo diễn biến hoạt động kinh doanh trong quá khứ, diễn biến giá gạo có tác động tổng thể lên chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành gạo trong xu hướng dài hạn. Tuy vậy trong ngắn hạn, diễn biến hoạt động kinh doanh hàng quý chịu có sự biến động lớn theo các yếu tố như chu kì mùa vụ, trữ lượng hàng tồn kho và các yếu tố khác như trích lập dự phòng.
Kết quả kinh doanh phân hoá rõ rệt
Thống kê trên sàn chứng khoán, có 4/6 doanh nghiệp gạo ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Hai doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, hai doanh nghiệp suy giảm và hai công ty báo lỗ trong quý II/2023.
Theo BCTC hợp nhất của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) cho thấy, doanh thu thuần đạt 3.677 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận được cải thiện đáng kể, tăng 10,5% lên 14,3%.
Quý II, công ty lãi sau thuế 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng, đây là mức lãi cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.
Nửa đầu năm nay, biên lợi nhuận mảng gạo đạt 2,8% trong khi 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 2,4%.
Công ty lãi sau thuế 343 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 145% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Lộc Trời đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm là 400 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) vẫn báo lỗ 8 tỷ đồng trong quý II. Nguyên nhân là do giá vốn bán hàng tăng cao trong khi công ty đã nỗ lực tiết giảm các chi phí. Biên lợi nhuận giảm mạnh từ 11,6% xuống 4,1%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty báo lãi 606 triệu đồng trong khi nửa đầu năm 2022 lãi gần 51 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi 50 tỷ đồng trong năm nay thì Trung An còn cách rất xa mục tiêu đề ra.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường biên 2023, lãnh đạo Trung An cho biết trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khi hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp khiến lợi nhuận bị ăn mòn.
Trong quý II, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - Mã: NSC) ghi nhận 519 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 8%, lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng giảm 33% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận tăng cao, từ 32,4% lên 38,8%.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, Vinaseed ghi nhận doanh thu đạt 834 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 109 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 38% và 32% kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra .
Tính đến cuối quý II, Vinaseed có 7 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất máy nông nghiệp, chế biến nông sản.
Trong đó, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) do Vinaseed sở hữu 98,92% vốn điều lệ, có trụ sở tại Đồng Tháp, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, hạt giống cây trồng. Các nhà máy Vinarice hiện có công suất chế biến 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.
Còn với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood 2 - VSF), trong quý II, công ty ghi nhận 6.867 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 125% so với cùng kỳ. Song, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn. Còn tính từ đầu năm đến nay, Vinafood lãi 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Điều trên cũng diễn ra tương tự với CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX) khi quý II công ty chỉ lãi 5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm lãi 10 tỷ đồng trong khi doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng.
Còn CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM), trong quý II, công ty báo lỗ 34 tỷ đồng, nửa đầu năm lỗ 57 tỷ đồng do doanh thu lao dốc trong khi công ty vẫn phải chi trả các khoản lãi vay định kỳ. Những quý gần đây, kết quả kinh doanh của Angimex không mấy tích cực khi lãnh đạo cấp cao của công ty bị khởi tố liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/